CTCK “thay” ngân hàng cho vay cầm cố

(Dân trí) - Chịu ảnh hưởng từ Chỉ thị 03 của NHNN, khối ngân hàng thương mại vẫn chưa thể nới cho vay cầm cố chứng khoán. Ngược lại, hoạt động cho vay này lại được các công ty chứng khoán (CTCK) triển khai khá rầm rộ.

CTCK “thay” ngân hàng cho vay cầm cố - 1
Các công ty chứng khoán đang bận rộn với cầm cố cổ phiếu (ảnh minh họa: Đất Việt).
 
Cùng với dấu hiệu ấm lên của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc trở lại và nằm trong số các thị trường tăng nhanh nhất toàn cầu. Tính đến thời điểm hiện tại, Vn-Index đã vượt qua mốc 500 điểm, mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua.

Chứng khoán tăng mạnh, cũng là lúc nhu cầu vay vốn cho hoạt động đầu tư của người dân tăng cao. Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 4/2009, dư nợ cho vay chứng khoán là 7.157 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2008, chiếm 0,5% tổng dư nợ và tương đương 4,4% tổng vốn điều lệ của hệ thống (giới hạn được phép là 20% vốn điều lệ).

Dư nợ cho vay chứng khoán tăng khoảng 276 tỷ đồng so với cuối năm 2008; nhưng về phía các ngân hàng thương mại, hoạt động cho vay này chưa được nới rộng vì khống chế mức vay cầm cố chứng khoán không được vượt quá 3% dư nợ.

Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng An Bình (ABBank) cho biết: “Đối với tín dụng cầm cố chứng khoán, ngân hàng luôn rộng cửa.

Nhưng do các điều kiện tín dụng vẫn được kiểm soát khá chặt chẽ, hạn mức vốn cấp cho nhà đầu tư tại ABBank tối đa là 500 triệu đồng/khách hàng và áp dụng cho các cổ phiểu đã niêm yết. Hiện tại, lãi suất cho vay cầm cố của ngân hàng ở mức 10,5%/năm”.

Một số ngân hàng khác cho biết thêm, dù điều kiện về cho vay cầm cố chứng khoán không còn “khắc nghiệt” như trước nhưng họ vẫn “ngại” Chỉ thị 03 của NHNN.

“Rút kinh nghiệm việc xử lý yêu cầu của Chỉ thị 03 về khống chế mức vay cầm cố chứng khoán không được vượt quá 3% dư nợ của các ngân hàng thương mại, ACB đang giới hạn cho vay đầu tư chứng khoán”, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nói.

Được biết, ACB đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, VDB không bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn thực hiện kinh doanh chứng khoán và tư vấn bất động sản…

Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ với các hoạt động: cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà, mua ô tô nhưng lại hạn chế cho vay chứng khoán. “Chúng tôi chưa có chủ trương đẩy mạnh hoạt động cho vay này”, đại diện SeABank nói.

Trong khi đó, để chớp thời cơ khi thị trường đang sôi sục, hàng loạt công ty chứng khoán đã triển khai cho vay, ứng trước tiền bán chứng khoán từ cách đây vài tháng. Cho vay chứng khoán được xem là một trong những hoạt động đem lại nguồn thu đáng kể cho các công ty chứng khoán trong điều kiện hiện nay, cũng như gia tăng giá trị cho khách hàng.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc khối dịch vụ chứng khoán của Công ty Cổ phần chứng khoán SME cho biết: “Dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho nhà đầu tư được đa phần công ty chứng khoán hiện nay áp dụng, bởi lợi nhuận thu về được tương đương với phí môi giới.

Đối tượng được chúng tôi hỗ trợ tài chính thông qua dịch vụ này là những khách hàng của công ty. Lãi suất cho vay mà chúng tôi áp dụng hiện nay là: 0,04%/ngày và từ 1,1 - 1,2%/tháng”…

Cũng theo một số công ty chứng khoán, nguồn tiền mà họ cho khách hàng vay để mua bán chứng khoán được lấy từ chính các ngân hàng. Theo đó, với loại hình repo cổ phiếu và cho vay của công ty chứng khoán, lãi suất đã lên đến 14 - 16%/năm. Trong khi đó, trần lãi suất cho vay tối đa của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 6 này vẫn được áp dụng ở mức 10,5%/năm.

Nguyễn Hiền