CRV thừa nhận “thiếu sót” trong xếp hạng năng lực cạnh tranh ngân hàng

(Dân trí) - “Chúng tôi đã áp dụng những phương pháp đánh giá của thế giới vào điều kiện Việt Nam mà chưa tính đến đặc thù của thị trường tài chính ngân hàng trong nước. Đây là thiếu sót của Ban biên soạn và Hội đồng khoa học của CRV Index”.

TS. Nguyễn Hữu Nam, Phó Chủ tich Hội đồng Biên soạn CRV Index đã thừa nhận như vậy trong bức thư ngỏ được đăng tải trên trang Công ty CRV.

Bản báo cáo xếp hạng gặp sự phản ứng từ các nhà băng.
Bản báo cáo xếp hạng gặp sự phản ứng từ các nhà băng.

Vào sáng thứ 7 tuần trước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (CRV) tổ chức công bố Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2012. Trong đó có 9/32 ngân hàng được phân loại đánh giá được xếp vào hạng A, loại có năng lực cạnh tranh tốt nhất thị trường. Nhóm B, nhóm năng lực cạnh tranh khá, gồm 9 ngân hàng. Nhóm C (năng lực cạnh tranh trung bình) có 10 ngân hàng và nhóm cuối cùng là D (năng lực cạnh tranh hạn chế) với 3 ngân hàng.

Sau khi công bố, bản xếp hạng đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía các nhà băng, đặc biệt là nhóm bị xếp hạng C và D. Bở họ cho rằng tổ chức công bố xếp hạng năng lực cạnh tranh này không hề liên lạc, tiếp xúc, phỏng vấn để lấy tài liệu và những thông tin liên quan của chính nhà băng trước khi thực hiện xếp hạng họ.

Đại diện một ngân hàng được xếp hạng chia sẻ: Đọc tiêu chí phân loại của công ty trên, tôi thấy không phản ánh rõ thực trạng, thực chất của ngân hàng được xếp loại. Việc xếp hạng chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp chỉ đáng tin cậy khi tổ chức đánh giá là một đơn vị có uy tín, đủ nghiệp vụ và chức năng, đủ thông tin và đưa ra được các tiêu chí toàn diện và phù hợp.

Vị này nhấn mạnh: “Nếu không hội tụ đủ các yếu tố này, chỉ số được đưa ra có thể sai lệch, không trung thực, làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng tới tâm lý của khách hàng cũng như quyền lợi của những doanh nghiệp được đánh giá". Vị này dẫn chứng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody's luôn làm việc rất nghiêm túc và chi tiết với ngân hàng trong nhiều ngày trước mỗi lần công bố chỉ tiêu tín nhiệm.

Đứng về góc độ cơ quan quản lý, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có phản ứng công khai gì về kết quả xếp hạng trên. Tuy nhiên, theo một nguồn tin thì CRV không hề lấy số liệu từ Ngân hàng Nhà nước trước khi công bố xếp hạng năm 2012.

Trước sự phản ứng của các nhà băng, Ban Biên soạn CRV Index đã có “thư ngỏ” tiếp thu các ý kiến góp ý của các nhà khoa học và các chuyên gia tài chính-ngân hàng về nghiên cứu xếp hạng năng lực cạnh tranh các ngân hàng thương mại công bố ngày 8/9/2012.

Thư ngỏ do TS. Nguyễn Hữu Nam, Phó Chủ tich Hội đồng Biên soạn nói: “Trong phần nghiên cứu về xếp hạng năng lực canh tranh của Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2012 (CRV Index), chúng tôi đã thực hiện việc xếp hạng năng lực cạnh tranh hơn 30 ngân hàng thương mại Việt Nam, với mong muốn cung cấp một kết quả phân tích độc lập giúp các ngân hàng định vị năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường. Chúng tôi mong muốn các độc giả nhìn nhận nghiên cứu này như một tài liệu tham khảo. Kết quả nghiên thể hiện sự cố gắng rất lớn của nhóm tác giả. Tuy nhiên, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan trong điều kiện thực tế, nghiên cứu không thể tránh khỏi những thiếu sót”.

Bức thư ngỏ cũng cho rằng, sau khi nhận được phản biện của một số nhà khoa học cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhóm biên soạn “nhận thấy nghiên cứu này còn có những điểm chưa hoàn thiện và chưa phản ánh đúng tình hình thực tế về năng lực cạnh tranh của các ngân hàng đã được đánh giá. Chúng tôi đã áp dụng những phương pháp đánh giá của thế giới vào điều kiện Việt Nam mà chưa tính đến đặc thù của thị trường tài chính ngân hàng trong nước. Đây là thiếu sót của Ban biên soạn và Hội đồng khoa học của CRV Index”.

Nguyễn Hiền