Covid-19 là cơ hội để tái cơ cấu và chuyển đổi số
(Dân trí) - Đặt mục tiêu tăng trưởng 30% nhưng chỉ đạt 81% kế hoạch năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng Xuân Mai Corp vẫn đạt được chỉ tiêu lợi nhuận vì tái cơ cấu doanh nghiệp và ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ để cắt giảm chi phí.
Đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến các hoạt động của Xuân Mai trong năm vừa qua, thưa ông?
Ông Bùi Khắc Sơn: Xuân Mai kinh doanh hai mảng chính gồm hoạt động xây lắp và kinh doanh, đầu tư bất động sản. Cả hai mảng này đều chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Về xây lắp, Xuân Mai thi công dựa trên nền tảng công nghệ bê tông dự ứng lực bán tiền chế (công nghệ PC) có rất nhiều ưu điểm để làm các dự án nhà máy công nghiệp, nhà ở dân dụng, công trình giao thông… Trong hoạt động xây lắp, Xuân Mai có nhiều đối tác quốc tế đến từ Nhật, Hàn. Việc triển khai dự án với các đối tác nước ngoài đã không thể thực hiện do hạn chế đi lại trong mùa dịch mặc dù hợp đồng đã ký và đối tác đã cho tạm ứng.
Ngoài ra, Xuân Mai cũng thực hiện thi công cho nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, Nha Trang, Bình Định. Tuy nhiên, do ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng, tính thanh khoản chưa cao nên các nhà đầu tư đã chậm lại kế hoạch xây dựng mặc dù họ có quỹ đất.
Về phát triển bất động sản, các dự án của Xuân Mai được định hướng có giá thương mại thấp, khoảng 1,5-2 tỷ đồng mỗi căn, phù hợp với những người lao động có thu nhập vừa phải. Theo tìm hiểu, trong bảy năm qua, có hơn 90% khách của Xuân Mai đều vay ngân hàng để mua nhà, số tiền họ tích lũy chỉ được khoảng một nửa và vay một nửa.
Trong khi đó, phân khúc nhà ở hiện đang tăng giá. Những căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 ở TPHCM đã "biến mất", ở Hà Nội cũng còn rất ít. Các dự án bất động sản nhà chung cư ở TPHCM đa phần trên 70 triệu đồng/m2 trong khi đa số người lao động Việt đều mong muốn mua nhà dưới 30 triệu đồng/m2.
Kinh tế gặp khó, khách hàng không dám đầu tư mua nhà để ở. Thu nhập ổn định thì trả lãi tiền vay mua nhà không phải vấn đề quá khó nhưng khi thu nhập bấp bênh thì người mua nhà phải tính toán cân đối lại, có tâm lý lo sợ nên chấp nhận tích lũy tài sản. Giá vàng vừa rồi tăng lên là vì thế.
Xuân Mai đã phản ứng như thế nào trước những khó khăn đó?
Ông Bùi Khắc Sơn: Chúng tôi đã phải nỗ lực để thay đổi, nhất là thay đổi về tư duy. Khó khăn vừa qua cũng đồng thời tạo ra một xu thế mới là thị trường 4.0, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, sản xuất, đầu tư. Trong cái khó ló cái khôn, Xuân Mai phải làm, phải nhìn nhận lại nhiều vấn đề.
Về quản lý, các dự án do Xuân Mai thực hiện nằm ở những nơi rất xa trong khi việc kiểm tra công trường phải được thực hiện thường xuyên, cập nhật liên tục. Covid-19 khiến công tác di chuyển gặp khó đã buộc chúng tôi áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng năng suất, giảm chi phí. Đặc biệt, Xuân Mai đã triển khai tốt công nghệ quản lý BIM khi thực hiện dự án. Nhờ đó, không để xảy ra bài toán dư thừa.
Trong thời gian qua, không có lao động nào trong số 4.000 người của Xuân Mai phải nghỉ việc vì dịch bệnh, không ai bị giảm lương. Khi công việc chỗ này bị giảm bớt, lãnh đạo phải nghĩ ra việc đầu tư hợp lý cho nhân sự làm. Đồng thời, đây cũng là thời điểm để cán bộ nhân viên của Xuân Mai nâng cấp chính mình, có nhiều cơ hội để học hỏi, tăng năng lực.
Vậy cách ứng xử trong thời gian tới được ban lãnh đạo Xuân Mai xác định là gì?
Ông Bùi Khắc Sơn: Tôi cho rằng, giai đoạn 2021-2022 sẽ còn nhiều khó khăn nữa, hệ lụy của dịch bệnh gây ra thậm chí có thể còn tác động lâu dài hơn. Đây không phải là bi quan mà là sự thật.
Trong bối cảnh đó, trước hết là phải giữ gìn thương hiệu doanh nghiệp, không phải vì khó khăn mà để mất uy tín, mất công việc, mất con người. Xây dựng doanh nghiệp đầu tiên là văn hóa doanh nghiệp, rồi sản phẩm của doanh nghiệp là những con người và hệ thống. Đó là những thứ không thể mất đi.
Quan trọng không kém là quản lý tài chính, cụ thể là phải quản trị được dòng tiền, cần cân đối theo những giai đoạn nhất định. Nhưng lưu ý là các phương án của Xuân Mai có thể dẫn đến giảm về sản lượng và lợi nhuận nhưng nhất quyết không được giảm về chất, không được làm mất mát chất xám của hệ thống. Đấy là chiến lược, định hướng rất rõ ràng.
Ông có kỳ vọng như thế nào trong năm tới?
Ông Bùi Khắc Sơn: Tôi mong cho tình hình dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt và mọi việc sẽ trở lại trạng thái bình thường, mong Xuân Mai ổn định với những gì đang có. Tôi nghĩ Xuân Mai chắc chắn sẽ ổn, sẽ tốt!