Kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ tăng trưởng thấp nhất 40 năm
(Dân trí) - Các dự báo cho thấy trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng thấp nhất tính từ giữa thập niên 1980 trước khi phục hồi vào năm 2021 với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3%.
Kinh tế bị tác động tiêu cực nặng nề trước đại dịch
Trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, khó khăn kinh tế toàn cầu đang diễn biến rất nhanh và nghiêm trọng. Suy thoái kinh tế toàn cầu không còn là nguy cơ, mà đã trở thành thực tế, với việc tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức âm.
Chuyên gia phân tích của Vietnam Report nêu đánh giá tại báo cáo vĩ mô vừa công bố, sự “đứt gãy” cả về cung và cầu sẽ bị kéo dài trên toàn cầu cho đến khi vắc-xin chống Covid-19 được sử dụng rộng rãi (dự báo nhanh nhất là đến giữa năm 2021), nhưng những hậu quả kinh tế sẽ tồn tại dai dẳng trong trung hạn và dài hạn.
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn cầu có quy mô tương đương đại suy thoái năm 1930 là có thể xảy ra. Nền kinh tế và xã hội toàn cầu sẽ không bao giờ trở lại tình trạng “bình thường” như trước đại dịch nữa, với sự nổi lên của các quan điểm phát triển mới, các xu hướng mới và luật chơi kinh tế mới.
Vietnam Report cho rằng, kinh tế Việt Nam có khả năng bị tác động tiêu cực nặng nề bởi đại dịch. Điều này được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng sụt giảm rất mạnh, sản xuất đình đốn, khu vực dịch vụ bị đóng cửa, thất nghiệp tăng mạnh, khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn diện rộng, thu nhập của người dân thuộc nhóm dễ bị tổn thương giảm mạnh gây tiềm năng bất ổn xã hội, đặc biệt nếu giá cả không được kiểm soát tốt. Trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, không kết thúc theo mùa vụ, những khó khăn này sẽ bị tăng lên nhiều lần.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2020 của Việt Nam chỉ đạt 3,82%, đây là mức tăng thấp nhất nếu so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn từ 2011-2020.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận trong quý 1, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, nền kinh tế thế giới đang “vô cùng” bất ổn, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ được quyết định bởi các phản ứng chính sách trong ba lĩnh vực chính: y tế, tiền tệ và tài khóa. Mặc dù dịch bệnh mang tính bất định khó dự báo, tuy nhiên vẫn cần đưa ra kịch bản để sẵn sàng ứng phó và phòng ngừa, giảm thiểu những tác động đến nền kinh tế.
Do chịu tác động của đại dịch, đặc biệt là tới các ngành du lịch, xuất khẩu, đồng thời làm suy yếu cầu nội địa, mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ tăng chậm lại về 3,3% từ mức 7% của năm 2019.
Trong khi đó, ngày 31/3, một nghiên cứu độc lập khác của hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions điều chỉnh tốc độ tăng trưởng của Việt Nam về mức 2,8%.
Cả hai dự báo đều cho thấy nền kinh tế Việt Nam có thể là mức tăng trưởng thấp nhất tính từ giữa thập niên 1980. Tuy nhiên, Fitch kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% khi sức cầu trong và ngoài nước dần hồi phục, xuất khẩu, du lịch và FDI tăng trở lại.
Các kịch bản với kinh tế Việt Nam trong năm 2020
Dựa trên một số dữ kiện kinh tế vĩ mô, phản ứng chính sách của Chính phủ, hoạt động giao thương của nền kinh tế và các kịch bản khả thi nhất của kinh tế toàn cầu, Vietnam Report đã đưa ra một số kịch bản sau với nền kinh tế Việt Nam:
Kịch bản thứ nhất: Kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh
Khi đại dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu trong khoảng quý 2/2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở lại nhanh chóng theo hình chữ V trong 4 kịch bản có thể xảy ra như dự đoán của McKinsey, nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng từ đầu quý 3/2020.
Theo đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được khôi phục, có thể nhắm đến việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra khi các cơ quan chức năng tung ra các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như Chính phủ tăng cường giải ngân vào các dự án hạ tầng lớn. Xác suất để kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 20%.
Kịch bản thứ hai: Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh
Khi đại dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu trong khoảng quý 3/2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm theo hình chữ U trong 4 kịch bản có thể xảy ra như dự đoán của McKinsey, nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi ít nhất từ đầu quý 3/2020, với tốc độ giữa hình chữ U và chữ V.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn nền kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại. Phần lớn các doanh nghiệp khôi phục năng lực sản xuất và lực cầu trong công chúng có dấu hiệu phục hồi nhanh.
Trong kịch bản này, các cơ quan chức năng vẫn cần nhanh chóng tung ra các gói cứu trợ và Chính phủ vẫn cần tăng cường chi tiêu công để kích cầu và hỗ trợ sản xuất. Xác suất kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 60-70%.
Kịch bản thứ ba: Nền kinh tế toàn cầu rơi vào chu kỳ suy thoái mới, kinh tế Việt Nam trì trệ
Khả năng sự lây lan virus trên toàn cầu tái diễn, sự phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế lớn (Mỹ, EU) chậm theo đồ hình giữa chữ L và chữ U, triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng 2020 của kinh tế Việt Nam là rất khó khả thi vì sự sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản. Tình trạng trì trệ của nền kinh tế sẽ kéo dài đến hết năm 2020. Xác suất kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 10-20%.
Một nghiên cứu mới nhất của McKinsey cho thấy các kịch bản có thể xảy ra đối với các nền kinh tế dựa trên khả năng kiểm soát virus, phản ứng của hệ thống y tế và phản ứng chính sách của các chính phủ.
Các kịch bản từ A1-A4 đều dẫn đến sự phục hồi dạng chữ V và chữ U – kịch bản được mong chờ thành hiện thực nhất, mặc dù có sự sai số ở các quốc gia và khu vực khác nhau.
Trong khi đó, các kịch bản cực đoan (B1-B5) có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng về cấu trúc nền kinh tế do thời gian để ứng dụng vắc-xin trong cộng đồng bị kéo dài, kết hợp với các phản ứng chính sách không kịp thời để ngăn chặn hậu quả trên diện rộng như phá sản, thất nghiệp, và một cuộc khủng hoảng tài chính.
Mai Chi