Công ty đa cấp hứa “bỏ 14,5 triệu đồng trả 35 triệu đồng” bị thu hồi giấy phép

(Dân trí) - Sau khi bị xử phạt 350 triệu đồng do những vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp, Cục Quản lý Cạnh tranh đã chính thức có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Absonutrix Việt Nam.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Cục Quản lý cạnh tranh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Absonutrix Việt Nam. Trước đó, công ty đa cấp này cũng bị xử phạt 350 triệu đồng do hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ báo cáo định kỳ và yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, việc thu hồi Giấy chứng nhận của doanh nghiệp bán hàng đa cấp này không giải phóng doanh nghiệp này khỏi các nghĩa vụ của mình trước pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp trong mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

Theo những thông tin phản ánh trước đó, nhiều người tham gia hệ thống đã tố cáo Công ty Absonutrix có dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng tiền trả thưởng của các nhà phân phối. Cụ thể, muốn tham gia vào Absonutrix, khách hàng phải mua gói tài chính trị giá gần 14,5 triệu đồng và trở thành nhà phân phối. Công ty thoả thuận sẽ trả tiền thưởng, hoa hồng, tiền vốn cho nhà phân phối tương ứng là 1.800.000 đồng/tháng cho một mã tài chính. Số tiền sẽ chi trả làm 2 lần đến khi nhận đủ 35 triệu đồng/gói.

Tin vào giao kèo của công ty, nhiều người dân đã bỏ hàng tỷ đồng để mua trăm gói tài chính này. Tuy nhiên, kể từ khi ký hợp đồng, công ty chỉ trả thưởng 1-2 tháng đầu, sau đó không thấy đâu.

Nhiều nhà phân phối tố cáo không nhận được tiền trả thưởng của công ty. Trụ sở của Absonutrix cũng được chuyển nhưng không thông báo, gọi điện không có người nhấc máy. Theo tố cáo của các nhà phân phối, tính đến nay tiền mua các gói tài chính vẫn bị Absonutrix giữ.

Ngoài Absonutrix, Cục Quản lý Cạnh tranh cũng thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của các công ty kinh doanh đa cấp, bao gồm: Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long. Trước đó, cũng trong tháng 10, cơ quan này cũng thu hồi giấy phép của Công ty TNHH Triwonder International, Công ty TNHH Isagenix Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Sản xuất Thương mại Bông Sen Vàng.

Hoạt động bán hàng đa cấp là loại hình kinh doanh vốn được đánh giá cao ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bán hàng đa cấp du nhập vào Việt Nam năm 1998, được pháp luật Việt Nam thừa nhận từ năm 2004. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam có nhiều biểu hiện biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, gây thiệt hại về tài sản và tinh thần cho nhiều người dân.

Theo báo cáo mới đây từ Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tính đến tháng 9/2016 đã giảm từ 67 xuống còn 50 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện có 500.000 người, giảm 57% so với gần 1,2 triệu người của cùng kỳ năm 2015.

Trong 6 tháng đầu năm, các công ty bán hàng đa cấp đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần).

Ngày 9/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Tính tới tháng 9, Cục Quản lý Cạnh tranh đã điều tra, xử phạt 36 doanh nghiệp với số tiền xử phạt gần 6,5 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với 9 doanh nghiệp. Cục cũng tiếp nhận và xử lý 123 khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bán hàng đa cấp hiện đang biến tướng khó lường, khó quản lý song không phải vì thế mà loại bỏ, bởi đây là một loại hình kinh doanh hiện đại, không thể phủ nhận trong tổng thể hoạt động thương mại của một quốc gia đang phát triển, hội nhập sâu rộng như nước ta.

Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh không nên tập trung tổng kết những con số mà cần có những đánh giá toàn diện về tình hình thực tiễn của bán hàng đa cấp, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến địa phương, đến đời sống của người dân. Theo Bộ trưởng, Cục Quản lý Cạnh tranh cần tính toán phương án hạn chế cấp phép mới cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong bối cảnh đang sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2014/NĐ-CP cũng như khung khổ pháp lý quản lý bán hàng đa cấp.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm