1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Công ty CP Tài nguyên Masan lãi nhờ tăng sản lượng

Masan Resources (HNX: MSR, “CTCP Tài Nguyên Masan”), công ty niêm yết lớn nhất tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tính đến thời điểm này trong năm 2015, lần đầu tiên đã công bố báo cáo tài chính của mình cho giai đoạn 9 tháng đầu năm 2015.

Công ty CP (CTCP) Tài Nguyên Masan sở hữu toàn bộ dự án Núi Pháo, mỏ vonfram lớn nhất thế giới đang hoạt động nằm cách Hà Nội chỉ 80 km và cũng là nhà sản xuất florit cấp axít và bismut hàng đầu thế giới bên ngoài Trung Quốc. Mỏ Núi Pháo bắt đầu sản xuất thương mại trong Quý 1 năm 2014. Kể từ đó đến nay, CTCP Tài Nguyên Masan đã tập trung nâng cao sản lượng qua từng thời kỳ và đạt được trạng thái hoạt động ổn định trong Quý 4 năm 2014.

Mặc dù giá cả hàng hóa thị trường bị suy giảm trong suốt năm 2015, CTCP Tài Nguyên Masan vẫn tăng doanh thu bán hàng thêm 14% lên hơn 2.000 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất cao hơn đáng kể giúp tăng lợi nhuận trước lãi và thuế thêm 28% lên gần 900 tỷ đồng với biên lợi nhuận trên doanh thu đạt 43%, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, mang lại lợi nhuận thuần 72 tỷ đồng so với một khoản lỗ trong 9 tháng đầu năm 2014.

 


Công ty CP Tài nguyên Masan lãi nhờ tăng sản lượng

Công ty CP Tài nguyên Masan lãi nhờ tăng sản lượng

 

Sản lượng của tất cả các hàng hóa do Núi Pháo sản xuất đã tăng đáng kể so với năm 2014, trong đó vonfram tăng 27% và đồng tăng 36%. Quy về một cơ sở tương đương với vonfram cho tất cả các hàng hóa, sản lượng khoáng sản đã tăng 77% trong 9 tháng đầu năm 2015. Sản lượng gia tăng là nhờ vào quá trình nâng công suất sau vận hành thử nghiệm, phẩm cấp đầu vào được cải thiện, hiệu suất sử dụng nhà máy được nâng cao, và hiệu suất thu hồi gia tăng ở tất cả các quy trình chế biến khoáng sản. Sản lượng bismut và florit đã tăng hơn gấp đôi sau khi quy trình chế biến chính thức vận hành vào cuối năm 2014.

CTCP Tài Nguyên Masan không ngừng tìm cách nâng cao giá trị khoáng sản thu hồi từ các thân quặng, cải thiện hiệu suất thu hồi các loại khoáng sản hiện nay, và giảm thiểu chi phí sản xuất tại mỏ Núi Pháo vốn có vòng đời khai thác rất dài. Một số dự án mở rộng đã được đưa vào kế hoạch hoàn thành trong sáu tháng tới, dự kiến sẽ cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động sản xuất, đặc biệt đối với vonfram và florit, bao gồm:

Tối ưu hóa hoạt động nổ mìn nhằm thu được quặng mang tính đồng nhất hơn, đồng thời giảm thiểu sự mài mòn trong quy trình nghiền thô. Lắp đặt các trụ xoay trong quy trình nghiền tinh giảm bớt hiện tượng nghiền quá mức. Lắp đặt thêm công đoạn gia công bổ sung vào quy trình chế biến vonfram để nâng cao hiệu suất thu hồi. Mở rộng quy trình tuyển nổi sul-phua nhằm gia tăng công suất thu hồi sul-phua.

CTCP Tài Nguyên Masan cũng tham gia một công ty liên doanh để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng của vonfram, bao gồm APT (Ammonium Para-Tungstate), Oxít Vonfram Xanh (BTO) và Oxít Vonfram Vàng (YTO), giúp đa dạng hóa dòng sản phẩm của mình. Liên doanh đã nhận được Giấy phép hoạt động công nghệ cao trong năm 2015 từ các cơ quan quản lý, công nhận việc sử dụng công nghệ đẳng cấp thế giới tại nhà máy.

Nhà máy chế biến hóa chất giá trị gia tăng này đang trong giai đoạn nâng cao dần công suất, giúp mang lại thêm nhiều lợi ích cho CTCP Tài Nguyên Masan.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm