Công ty chứng khoán liên quan Vạn Thịnh Phát lỗ đậm năm 2023
(Dân trí) - Chứng khoán Tân Việt trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát lỗ hơn 397 tỷ đồng trong năm qua, "đổ bể" mục tiêu lỗ 570 triệu đồng.
Hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm khoảng 1.000 công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, theo kết luận điều tra của Cơ quan Bộ Công an. Các công ty này được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thuộc nhóm định chế tài chính tại Việt Nam của tập đoàn này, cùng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Năm 2023, Chứng khoán Tân Việt có doanh thu hoạt động giảm 92% so với năm trước, còn hơn 202 tỷ đồng. Doanh thu các mảng nghiệp vụ môi giới, lưu ký chứng khoán, tư vấn tài chính đều giảm mạnh. Công ty cũng không còn nguồn thu từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán.
Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn gấp đôi cùng kỳ khiến công ty lỗ sau thuế hơn 397 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 148 tỷ đồng). Khoản lỗ này cao hơn nhiều kế hoạch đặt ra đầu năm (lỗ 570 triệu đồng).
Tính tại ngày 30/12/2023, Chứng khoán Tân Việt có hơn 1.841 tỷ đồng tài sản tài chính, không biến động nhiều so với đầu năm. Số này bao gồm các tài sản là cổ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, quỹ đại chúng và trái phiếu chưa niêm yết. Đặc biệt, công ty có tới 1.639 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết trong danh mục tài sản tài chính, chiếm 89%.
Trước đó, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 được kiểm toán do Chứng khoán Tân Việt công bố vào tháng 9/2023 có nêu 2 vấn đề kiểm toán nhấn mạnh liên quan câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp và khoản tiền TVSI "kẹt" lại tại SCB.
Theo đơn vị kiểm toán, TVSI có thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư, sau đó mua đi bán lại nhiều lần với các nhà đầu tư. Đồng thời, công ty đã ký hợp đồng mua lại một số trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư theo một mức giá xác định vào một ngày xác định trong tương lai.
Tổng mệnh giá các trái phiếu TVSI đã ký hợp đồng mua lại đến ngày 30/6/2023 trên 18.000 tỷ đồng. Trong đó, số đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 4.870 tỷ đồng.
Đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, tổng mệnh giá trái phiếu công ty đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng 17.407tỷ đồng, trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán khoảng 15.580 tỷ đồng.
Tuy nhiên, TVSI không thực hiện được việc thanh toán cho bên chuyển nhượng và gửi thông báo đến các nhà đầu tư là sẽ không thực hiện giao dịch này; đồng thời đang thực hiện đàm phán lại với nhà đầu tư sẽ không thực hiện giao dịch này. TVSI cũng đang đàm phán với các nhà đầu tư việc hủy hợp đồng mua lại hoặc gia hạn thời gian mua lại nhưng việc đàm phán này vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh từ ngày 2/11/2022, TVSI còn hơn 1.609 tỷ đồng tiền gửi tại SCB đang bị phong tỏa, bao gồm tiền gửi nhà đầu tư phục vụ giao dịch chứng khoán (879 tỷ đồng) và tiền gửi phục vụ các nghĩa vụ thanh toán khác cho khách hàng (730 tỷ đồng) không giao dịch được.
Báo cáo tài chính 2023 do doanh nghiệp vừa công bố cũng thể hiện, tại ngày 31/12/2023, TVSI có gần 1.941 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Có thể, số tiền bị "kẹt" lại tại SCB vẫn tiếp tục được ghi nhận.