Công ty chứng khoán đi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu thắng thua ra sao?

Phương Liên

(Dân trí) - Năm 2022, với việc chỉ số VN-Index giảm hơn 30%, kết quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán cũng sụt mạnh. Không phải cứ công ty chứng khoán đi đầu tư cổ phiếu là chiến thắng.

Thị trường chứng khoán biến động tiêu cực đã làm cho kết quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn có không ít đơn vị ghi nhận mảng tự doanh lãi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong quý IV/2022. Đáng chú ý, danh mục của hầu hết các đơn vị có lãi này là tài sản trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi.

Công ty chứng khoán lãi nhờ đầu tư trái phiếu

Chứng khoán SSI là doanh nghiệp có khoản lãi tự doanh lớn nhất so với các công ty ty chứng khoán trong quý IV/2022. Dù lãi tự doanh quý IV/2022 đạt gần 316 tỷ đồng, có giảm 5% so với cùng kỳ 2021 song tính lũy kế cả năm 2022, công ty vẫn ghi nhận lãi tự doanh đạt 1.008 tỷ đồng, tăng 9% so với 2021. 

Chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu danh mục đầu tư của của công ty này là 16.437 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi; 793 tỷ đồng trái phiếu niêm yết và 12.176 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết. 3 khoản mục trên chiếm gần 96% tổng giá trị danh mục đầu tư của công ty.

Đối với danh mục cổ phiếu, mã chứng khoán SGN của Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá gốc 407,5 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2022, giá trị của mã này đã giảm 9% chỉ còn 371,6 tỷ đồng.

Tuy vậy, SSI cũng ghi nhận một khoản lỗ với cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát khi giá trị hiện tại của cổ phiếu này đã giảm hơn 2 tỷ đồng còn 17,8 tỷ đồng so với thời điểm mua vào.

CTCP Chứng khoán HD (HDBS) ghi nhận mức lãi tự doanh quý IV/2022 tăng 156% so với cùng kỳ đạt 223,4 tỷ đồng. Lũy kế năm 2022, mảng này đem về cho công ty 428 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp 2 lần so với năm 2021. Chiếm đến 85,4% tổng danh mục công ty là trái phiếu chưa niêm yết với 998 tỷ đồng.

Trong quý IV/2022, Chứng khoán VPBank cũng là doanh nghiệp ghi nhận mức lãi tự doanh với 185 tỷ đồng, tăng hơn 60 lần so với năm 2021. Lũy kế cả năm 2022, công ty ghi nhận mức lãi 425 tỷ đồng, tăng gần 140 lần so với năm trước. Danh mục của công ty này cũng có đến 97% tổng tài sản là trái phiếu chưa niêm yết.

Với VnDirect, nghiệp vụ tự doanh cũng không mang lại cho công ty chứng khoán này mức lợi nhuận khủng như năm trước đó. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ của doanh nghiệp này là 1.231 tỷ đồng, tuy nhiên mức lỗ từ các tài sản này lên tới 1.142 tỷ đồng. Vậy nên, sau khi khấu trừ đi các khoản chi phí tự doanh, VnDirect chỉ mang về được vỏn vẹn 83 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng cao cũng gây áp lực cho doanh thu và lợi nhuận của VNDirect. Chỉ riêng trong quý IV/2022, doanh nghiệp này đã báo lỗ sau thuế 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 837 tỷ đồng. Lũy kế năm 2022, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.220 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 1.100 tỷ đồng so với năm 2021.

Danh mục của VNDirect cũng tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi với tổng giá trị lên tới hơn 15.000 tỷ đồng, chiếm đến 39% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Không chỉ 3 doanh nghiệp trên, điểm chung của các công ty chứng khoán có mức lãi tự doanh lớn nhất trong quý IV/2022 là danh mục đều chủ yếu nắm giữ trái phiếu. Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nắm giữ gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu. Hay Công ty Chứng khoán TPHCM (HCM) cũng đang giữ hơn 1.200 tỷ đồng trái phiếu trong đó chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp, chiếm gần 85% tổng giá trị danh mục.

Dù đều là những đơn vị có mức lãi tự doanh cao nhất trong quý IV/2022 nhưng đa phần các doanh nghiệp ghi nhận mảng tự doanh tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021, gồm VND (-87%), SHS (-84,9%), EVS (-49,6%), HCM (-33,5%)…

Nhiều công ty chứng khoán lỗ hàng trăm tỷ đồng

Năm 2021, tự doanh từng là nghiệp vụ lãi đậm của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường giảm mạnh, nhiều công ty chứng khoán cũng ghi nhận mức thua lỗ lớn từ danh mục đầu tư của mình.

Công ty Chứng khoán APEC (APS) là doanh nghiệp lỗ tự doanh nặng nhất trong quý IV/2022 với mức lỗ hơn 192 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp này lãi 522,5 tỷ đồng.

Trong đó, danh mục cổ phiếu niêm yết của Công ty Chứng khoán APEC chủ yếu trung vào các cổ phiếu API, IDJ và CEO đều đang chịu mức giảm mạnh so với thời điểm công ty mua vào. Ngoài ra, công ty cũng đang nắm giữ 150 tỷ đồng cổ phiếu APEC Group và 30 tỷ đồng cổ phiếu APEC Finance.

Tương tự, Công ty cổ phần Chứng khoán VIX cũng báo lỗ sau thuế là 102,5 tỷ đồng trong quý IV/2022. Trong đó, doanh thu hoạt động của VIX đạt hơn 237 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021. Nghiệp vụ tự doanh của doanh nghiệp cũng lỗ 189 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 100 tỷ đồng. Danh mục cổ phiếu niêm yết của doanh nghiệp này tại thời điểm cuối kỳ cũng giảm gần 10% so với giá gốc mua vào.

Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) với 667 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, cũng chịu lỗ 45% so với thời điểm mua. Cổ phiếu cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Công ty Chứng khoán APG. Với giá trị mua vào hơn 522 tỷ đồng, công ty này cũng đang chịu lỗ 37%.

Năm 2022, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng ghi nhận gần 115 tỷ đồng lỗ sau thuế, trong khi năm 2021 lãi hơn 426 tỷ đồng. Chỉ tính riêng quý IV/2022 doanh nghiệp này đã ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt 196 tỷ đồng, giảm hơn 71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Chi phí hoạt động của doanh nghiệp cũng ghi nhận mức gia tăng mạnh với hơn 191 tỷ đồng, tăng gần 57% so với quý IV/2021. Trong đó, hoạt động đầu tư đạt 21,3 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái và hoạt động kinh doanh môi giới cũng giảm 21%, chỉ đạt 80,7 tỷ đồng.

Danh mục cổ phiếu của Chứng khoán Rồng Việt cũng giảm mạnh so với giá trị lúc mua, mức lỗ lớn nhất ghi nhận ở các cổ phiếu dòng ngân hàng TCB (lỗ 47%), CTG (lỗ 18%), ACB (lỗ 15,6%).