1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Công ty chứng khoán tăng vốn bất thường sẽ bị đưa vào tầm ngắm

Văn Hưng

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán.

Trước tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng đầu năm có nhiều biến động bất thường, Bộ Tài chính đã chỉ đạo, yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dấu hiệu bất thường để xử lý.

Thẩm định chặt chẽ hồ sơ đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn

Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thị trường, hạn chế nguy cơ gây mất an ninh, an toàn của thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Bộ yêu cầu các đơn vị rà soát quy định về phát hành chứng khoán riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; rà soát tham mưu nâng cao điều kiện thành lập quỹ tài chính… trình lãnh đạo Bộ trước ngày 30/9 để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Công ty chứng khoán tăng vốn bất thường sẽ bị đưa vào tầm ngắm - 1

Bộ Tài chính yêu cầu giám sát những doanh nghiệp, mã chứng khoán có diễn biến bất thường để bảo vệ nhà đầu tư (Ảnh: Mạnh Quân).

Về giám sát, kiểm tra hoạt động đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tăng cường giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, thành viên giao dịch.

Các hồ sơ đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp cần được thẩm định chặt chẽ. Các yếu tố chú trọng gồm kiểm soát chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, đặc biệt lưu ý những công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng.

Bộ Tài chính cũng giao cho các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ niêm yết, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tùy theo mức độ vi phạm; có biện pháp xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe như rút giấy phép hành nghề, đình chỉ kinh doanh... 

Đồng thời, các đơn vị liên quan cần chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra đối với các hành vi cố tình vi phạm, góp phần tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp lợi dụng để qua mắt cơ quan quản lý tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Công ty chứng khoán phải báo cáo nghiệp vụ

Đối với việc giám sát hoạt động của các công ty thành viên thị trường, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì xây dựng khung báo cáo và các tiêu chí liên quan, trên cơ sở đó yêu cầu các công ty chứng khoán cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động trong thời gian qua, đặc biệt tập trung vào một số nghiệp vụ như tự doanh, cấp margin, tư vấn môi giới đầu tư, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp... cũng như tình hình tăng vốn rất mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm nay.

Các cơ quan liên quan phải tăng cường giám sát thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh, giám sát chặt chẽ các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến, giá trị cổ phiếu không phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... kịp thời cảnh báo nhà đầu tư về các hiện tượng bất thường trên thị trường.

Trên cơ sở báo cáo của các công ty chứng khoán, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán chủ trì phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh tính chính xác của báo cáo, phân tích số liệu để từ đó chỉ ra những dấu hiệu bất thường nếu có trong hoạt động của các công ty chứng khoán.

Bên cạnh đó là xem xét có hay không việc một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng, cấu kết với công ty chứng khoán để thao túng, làm giá cổ phiếu cũng như tư vấn, lách luật phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bộ cho biết, căn cứ vào kết quả kiểm tra, xác minh thì đề nghị các cơ quan chủ động tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các thành viên thị trường và đồng thời đề xuất bổ sung trách nhiệm, xem xét giới hạn một số nghiệp vụ của các công ty chứng khoán nhằm hạn chế tình trạng tăng trưởng nóng, thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn.