1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Công nghiệp Việt Nam phát triển không chỉ nhờ thương chiến Mỹ - Trung"

(Dân trí) - Chiến tranh thương mại không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Những nỗ lực hội nhập kinh tế đem lại nhiều cơ hội và tạo thêm động lực để Việt Nam tái lập môi trường kinh doanh.

Công nghiệp Việt Nam phát triển không chỉ nhờ thương chiến Mỹ - Trung - 1

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành một trong những điểm sáng công nghiệp của Đông Nam Á.

Theo báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam của JLL, có 335 hecta đất được dành riêng cho hoạt động sản xuất công nghiệp vào năm 1986. Con số này đến 2018 đã đạt hơn 80.000 hecta.

"Sự tăng trưởng ngoạn mục có được nhờ vào sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, định hướng xuất khẩu, các Hiệp định Thương Mại Tự do (FTA’s) được ký kết, cùng các vùng kinh tế trọng điểm được thành lập đã góp phần tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi với nguồn lao động dồi dào", JLL nhận định.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây đã khiến các chuyên gia tin rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi bởi các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp hơn.

Theo JLL, ở Trung Quốc, chi phí lao động và giá đất công nghiệp đang leo thang do Trung Quốc nâng cao chuỗi giá trị đối với hàng tiêu dùng trong nước, dịch vụ và hàng hóa xuất khẩu giá trị cao.

Trong khi đó, chi phí lao động ở Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng một phần ba Trung Quốc, điều này càng khuyến khích các công ty chuyển dịch về Việt Nam trong các năm qua, tuy nhiên cuộc chiến thương mại đã đẩy nhanh quá trình quyết định để các doanh nghiệp di dời đến Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, chiến tranh thương mại không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp.

"Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cho thấy Việt Nam luôn nỗ lực hội nhập quốc tế, điều này đem lại nhiều cơ hội khi hàng rào thuế quan giảm và tạo thêm động lực để Việt Nam tái lập môi trường kinh doanh", ông Stephen Wyatt nói.

Ông Stephen cho biết, nhu cầu mạnh mẽ cùng với sự mở rộng của các nhà sản xuất từ Trung Quốc đã đẩy giá đất lên một mặt bằng giá mới. Vào quý II/2019, giá đất trung bình ở thị trường khu công nghiệp phía Nam xấp xỉ 95USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Một vài thách thức quan trọng mà Việt Nam đang đối mặt là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng, mặc dù ngân sách dành cho cơ sở hạ tầng khá cao khi so sánh với các nước khác. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam được ghi nhận phải bị hoãn do quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hút vốn. Thời gian và chi phí thủ tục hành chính, bao gồm chi phí tài liệu cao và thủ tục hải quan kém hiệu quả khi so sánh với các nước lân cận trong khu vực.

Ông Stephen nhấn mạnh: "Để thu hút đầu tư nước ngoài và luôn đón đầu xu hướng, đặc biệt là trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm hơn đến nguồn nhân lực có chuyên môn tay nghề và khuyến khích đổi mới truyền thông và công nghệ”.

JLL kỳ vọng rằng lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn nhất trong nửa sau 2019 và sự quan tâm từ nhà đầu tư nước vào Việt Nam vẫn tiếp tục vững mạnh.

"Việc thiếu hụt những tài sản công nghệ cao, không gian kho bãi hiện đại và nhu cầu mạnh mẽ từ những doanh nghiệp trong khu vực đang thúc đẩy tiềm năng của thị trường bất động sản công nghiệp", báo cáo nêu.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm