1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Công nghiệp 4.0: “Bế quan toả cảng” như Trung Quốc hay mở phanh cửa?

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, trong làn sóng công nghiệp 4.0, cũng giống như những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, là một vòng quay tất yếu của lịch sử và không thể đảo chiều. Mỗi một kịch bản lựa chọn có thể đưa đất nước lên tầm cao mới hoặc có thể dẫn tới sự tụt hậu nghiêm trọng...

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Chia sẻ về làn sóng công nghiệp 4.0, T.S. Nguyễn Xuân Hải, Giảng viên Kinh tế, Đại học Trung hoa (Hongkong), đồng thời là Trưởng nhóm, Nhóm Chính sách Kinh tế, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (EPG-AVSE Global) cho rằng, hiện nay, thế giới dường như “phẳng" hơn với công nghệ thông tin.

“Và cũng vì vậy, cuộc “cách mạng công nghiệp lần thứ tư" hướng tới nền kinh tế số hoá cứ thế ầm ầm đi vào các ngõ ngách trên thế giới, bất kể nơi đó đã sẵn sàng hay chưa. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ”, ông nói.

Việt Nam không phải ngoại lệ

Theo ông Hải, về mặt hạ tầng, hiện Việt Nam hoàn toàn sẵn sàng đón nhận làn sóng công nghệ này với những bước tiến vượt bậc trong công nghệ thông tin và an ninh mạng. Về mặt con người, Việt Nam cũng không thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới về tốc độ tăng trưởng người sử dụng trong thị trường điện thoại di động, thiết bị điện tử thông minh, và Internet tốc độ cao.

“Hiện hay, đặc biệt ở các thành phố lớn, hình ảnh các cụ già đọc báo bằng iPad hay các em nhỏ học bài qua mạng, các doanh nhân sử dụng điện thoại để quản lý công việc hay các bà nội trợ mua sắm trên các cửa hàng trực tuyến không còn là điều gì đặc biệt nữa”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, với tất cả những điều tích cực ở trên, có một khía cạnh còn phải suy nghĩ thêm, đó chính là khung pháp lý. Các câu chuyện “lùm xùm” xung quanh việc các hãng taxi công khai phản đối Uber và Grab, sự lúng túng của các cơ quan chức năng trước “tiền ảo”, hay các làn sóng start-up Việt sang Singapore khởi nghiệp phản ánh rõ sự cần thiết trong việc cải cách khung luật ở Việt Nam.

Ông cũng chỉ ra hai kịch bản của Việt Nam trong làn sóng công nghệ này. Một là, chúng ta “bế quan toả cảng" về công nghệ thông tin và đặt kỳ vọng vào nội lực quốc gia.

Đây là câu chuyện của Trung Quốc, khi quốc gia này gần như cấm triệt để sự có mặt trong nước của các công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, như Google, Facebook hay Amazon, và các sản phẩm công nghệ mới như Bitcoin. Thay vào đó, họ tạo cơ sở cho sự phát triển của các công ty nội địa như Baidu, Alibaba, Huawei hay Xiaomi. Đến nay, các công ty Trung Quốc không những dẫn đầu “cuộc cách mạng lần thứ tư" ở Trung Quốc mà còn có thể xâm nhập và cạnh tranh ở các thị trường quốc tế.

Cách thứ hai, chúng ta phá bỏ tối đa các rào cản pháp lý để các công ty và công nghệ tiên tiến nhất tự do du nhập với kì vọng đâu đó trong chuỗi giá trị số hoá, Việt Nam tìm được vị thế của riêng mình. Đây là câu chuyện của các nước Tây Âu, Úc, New Zealand, hay gần hơn là Hồng Kông và Singapore. Khi các công ty và công nghệ quốc tế tự do tham gia vào thị trường, đó sẽ chính là đòn bẩy, là đầu kéo cho nền kinh tế số hoá nội địa đi lên và nhanh chóng đứng ngang tầm với các quốc gia phát triển khác.

“Mỗi kịch bản đều đem theo mình những rủi ro riêng. Trong khi kịch bản một có thể cho ra đời những công ty và công nghệ của riêng Việt Nam nhưng cũng có thể dẫn tới sự tụt hậu nghiêm trọng cho nền kinh tế, kịch bản hai đem lại sự gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế thế giới, đưa nền kinh tế trong nước trở nên hiện đại và hội nhập quốc tế ở tầm cao, nhưng cũng có thể dẫn tới những đột biến trong kinh tế và xã hội chưa lường được trước”, ông nói.

Còn nhiều "lỗ hổng" bảo vệ người tiêu dùng

Bà Lê Thị Thiên Hương - nghiên cứu sinh, chuyên gia tư vấn luật - AVSE Global lại nhìn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này dưới góc độ người tiêu dùng. Theo đó, cho rằng, với những tiến bộ công nghệ đã đem lại cho người tiêu dùng vô số ứng dụng công nghệ đưa chất lượng cuộc sống lên một tầm cao mới, thì nó cũng tạo ra rất nhiều nguy cơ tiềm tàng cho người tiêu dùng.

Theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến. Hơn nữa, số lượng này ngày càng tăng nhanh nhờ vào sự tăng trưởng của thị trường di động. Cùng với đó, một nửa dân số Việt Nam sử dụng mạng Internet, nằm trong nhóm nước dẫn đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á.

"Thói quen mua sắm mới này ở Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề pháp lí liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng, như việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng, đảm bảo thông tin trung thực về sản phẩm, cũng như việc giải quyết khiếu nại phát sinh từ thương mại điện tử", bà Hương nhìn nhận.

Theo bà Hương, liên quan đến việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng, cho dù luật Việt Nam đã đặt ra những nguyên tắc cơ bản, vẫn còn tồn tại rất nhiều "lỗ hổng". Hiện nay, các doanh nghiệp thu thập gần như toàn bộ thông tin về hành vi, thói quen tiêu dùng, thói quen cá nhân của khách hàng trong quá trình giao dịch hay thậm chí trên các mạng xã hội. Thậm chí, việc các doanh nghiệp mua bán, trao đổi danh sách khách hàng với mọi thông tin cá nhân, thói quen tiêu dùng là không hiếm ở Việt Nam.

"Trong khi luật chưa hoàn thiện, các vụ việc vi phạm thông tin cá nhân khách hàng xảy ra ngày càng nhiều. Ví dụ như gần đây có nhiều hành khách đi máy bay bị lộ số điện thoại và ngày giờ xuống máy bay, nhận được tin nhắn mời đi xe từ tổng đài hãng taxi hay thậm chí từ một số điện thoại lạ. Từ mất an toàn trên môi trường số cho đến mất an toàn trong đời thực là một khoảng cách rất ngắn", bà Hương cho biết.

Bên cạnh đó, vấn đề thông tin chất lượng sản phẩm bán trên các cửa hàng trực tuyến cũng là vấn đề làm người tiêu dùng Việt Nam ngại ngần nhất, vì không thiếu các vụ mua hàng trên mạng nhưng sản phẩm không như quảng cáo, cũng như dịch vụ bảo hành rất kém. Người tiêu dùng đang phải đối mặt với tình trạng quảng cáo không trung thực, không được thông tin đầy đủ về sản phẩm.

"Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã ra chiến lược cụ thể về kinh tế số. Thậm chí, nhiều nước đã thông qua luật riêng biệt như Anh, Pháp để đẩy mạnh phát triển và quản lí nền kinh tế số. Việt Nam vì thế cũng cần nhanh chóng xây dựng khuôn khổ cho vấn đề này một cách tổng thể, phù hợp với tầm nhìn xa, sâu rộng, với mục tiêu vừa để thúc đẩy kinh tế số, nhưng cũng đồng thời đảm bảo an ninh môi trường mạng cho người Việt Nam", bà Hương nhìn nhận.

Phương Dung