Công khai dự án thế chấp ngân hàng: Mới chỉ hé một phần của tảng băng chìm

(Dân trí) - TP.HCM và Hà Nội vừa công khai một loạt dự án bất động sản thế chấp tại nhiều ngân hàng khác nhau khiến dư luận xôn xao, lo lắng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, về nguyên tắc, hoạt động thế chấp là bình thường, nhưng phải minh bạch thông tin từ chủ đầu tư, từ cơ quan quản lý. Còn hiện nay, thế chấp ngân hàng vẫn là con số rất nhỏ, phần nổi của tảng băng chìm.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện có nhiều dự án bất động sản (BĐS) được chủ đầu tư thế chấp với ngân hàng để vay vốn phát triển. Tuy nhiên, số tiền lớn nên các ngân hàng không thể tự giao dịch với khách hàng mà phải thông qua cơ quan chức năng là các Sở Xây dựng của địa phương bởi nếu giao dịch hai bên sẽ rất rủi ro.

Chính vì vậy, ông Liêm cho rằng, các cơ quan chức năng địa phương cần có trách nhiệm công bố thông tin rõ các dự án đã được DN thế chấp, thời gian vay, số vốn vay và các điều khoản... thế chấp trên phương tiện thông tin đại chúng như điều bắt buộc.

Tính minh bạch về năng lực tài chính, trong đó việc chủ đầu tư thế chấp dự án, căn hộ của người mua nhà mà chưa giải chấp đang là lo ngại của nhiều chuyên gia (ảnh minh họa)
Tính minh bạch về năng lực tài chính, trong đó việc chủ đầu tư thế chấp dự án, căn hộ của người mua nhà mà chưa giải chấp đang là lo ngại của nhiều chuyên gia (ảnh minh họa)

"Các chủ đầu tư phải công bố dự án và hiện trạng của tài sản mình đang thế chấp với khách hàng. Thời gian vay thế chấp là bao nhiêu, lộ trình trả nợ như thế nào? các thỏa thuận đi kèm với khoản thế chấp đó nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua nhà khi có giao dịch khác", ông Liêm cho biết.

Theo lãnh đạo một DN phát triển BĐS tại Hà Nội, lúc này cần làm rõ hiện trạng chủ đầu tư đem dự án đi thế chấp ở một ngân hàng, nhưng khi khách đóng tiền (70%) rồi, chủ đầu tư không hoặc chưa thực hiện dự án, lại tiếp tục mở tài khoản tại một ngân hàng khác để đem đầu tư nơi khác, kiếm lời. Điều này đẩy rủi ro về phía người mua nhà và ngân hàng thế chấp cho vay.

Thực tế, tại Hà Nội, những dự án BĐS lừng lẫy một thời như Usilkcity, Ellipse Tower... dù huy động tiền của người mua nhà từ 50 – 70% giá trị căn hộ, nhưng sau nhiều năm dự án vẫn án binh bất động vì nhiều lý do, trong đó có cả việc dùng tiền vào mục đích khác thay vì phát triển dự án.

Theo ông Liêm, việc chủ đầu tư thế chấp dự án tại một ngân hàng, kêu gọi người mua vay đóng tiến độ nhưng số tiền sử dụng vào dự án khác là rất phổ biến. Điều này không chỉ khiến người mua nhà chịu tổn thất về chi phí lãi vay mà chủ đầu tư vi phạm tiến độ hợp đồng vẫn không bị xử lý thỏa đáng.

Chính vì vậy, theo một số chuyên gia, dự án thế chấp ngân hàng của chủ đầu tư được công khai mới đây tại TP HCM, Hà Nội mới chỉ là con số rất nhỏ, phần nổi của tảng băng chìm trong lĩnh vực cho vay BĐS cũng như các chiêu trò của chủ đầu tư nhà đất lớn.

"Trên thực tế, khách hàng mua nhà chỉ được biết căn hộ, dự án của mình bị thế chấp khi đem dự án đi thế chấp ở một ngân hàng khác. Trong khi đó, ở nhiều dự án BĐS, việc bắt tay "ém" thông tin thế chấp giữa chủ đầu tư - ngân hàng với các bên liên quan là phổ biến, điều này khiến người mua nhà có thể gặp rủi ro khi chủ đầu tư không thể giải chấp được, quyền và lợi ích của người mua nhà sẽ bị ảnh hưởng khi dự án được bán cho bên khác", GS Đặng Hùng Võ, chuyên gia BĐS chia sẻ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng: Bản chất chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng lâu nay là bình thường nếu dự án có thu hồi vốn, được giải chấp đầy đủ. Tuy nhiên, nó trở nên bất thường khi chủ đầu tư dùng thủ đoạn thế chấp để phục vụ mục đích khác, trong khi những thông tin thế chấp, giải chấp dự án luôn là thông tin mật giữa ngân hàng - chủ đầu tư.

Một chuyên gia của Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay, hiện có khá nhiều chủ đầu tư khi xây dựng nhà xong, bán tất tay cho khách hàng nên mối quan hệ với khách hàng sau khi dự án hoàn tất các giao dịch dân sự là rất rời rạc, nhất là ở những dự án nhỏ, lẻ. Nếu trường hợp có thế chấp dự án nhưng chủ đầu tư từ chối trách nhiệm, lúc đó cả ngân hàng và người mua nhà sẽ chịu thiệt hại.

"Ngân hàng cho thế chấp, trong khi chủ đầu tư mở một tài khoản ở ngân hàng khác thì việc xử lý trách nhiệm, giải chấp dự án đã thế chấp rất khó khăn. Chính vì vậy, minh bạch tài sản thế chấp của các chủ đầu tư BĐS là điều phải làm để tránh rủi ro cho cả người mua nhà lẫn ngân hàng", vị chuyên gia BĐS trên cho hay.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm