Công khai 77 dự án “cắm” ngân hàng: Doanh nghiệp lo thị trường bất động sản "tê liệt"

(Dân trí) - Việc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM công khai danh sách 77 dự án “cắm” ngân hàng gây nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi người tiêu dùng hoan nghênh thì các chủ đầu tư lo lắng nguy cơ thị trường bị phá sản, ngưng trệ “máu” từ các nguồn huy động.

Công khai, minh bạch chứ không nên gây ngộ nhận, nhầm lẫn

Ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Bất động sản (BĐS) Gia Hoà tỏ vẻ không hài lòng khi doanh nghiệp của mình nằm trong danh sách 77 dự án bị “bêu” tên cầm cố ngân hàng.

Gia Hòa là chủ đầu tư dự án Tri thức trẻ - The Art (Phường Phước Long B, Quận 9). Dự án đầy đủ các thủ tục pháp lý nên được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh, được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai theo Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS. Thế nhưng, việc có tên trong danh sách các chủ đầu tư "cắm" dự án trong ngân hàng đã khiến nhiều khách hàng lo ngại năng lực của chủ đầu tư.

Trình chứng thư bảo lãnh ngân hàng, lãnh đạo công ty Gia Hòa cho rằng việc quy về một rổ các dự án cầm cố sẽ khiến thị trường chững lại
Trình chứng thư bảo lãnh ngân hàng, lãnh đạo công ty Gia Hòa cho rằng việc quy về "một rổ" các dự án cầm cố sẽ khiến thị trường chững lại

Ông Mạnh cho rằng, danh sách của Sở Tài nguyên và Môi trường công khai minh bạch thì đúng nhưng cách thể hiện không ổn. Không nên gom tất cả các doanh nghiệp có thế chấp dự án vào ngân hàng vì doanh nghiệp thế chấp dự án có nhiều loại khác nhau.

Việc chủ đầu tư được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh dự án phải là doanh nghiệp đang hoạt động tốt và chấp hành đúng quy định của pháp luật. Do đó, ông Mạnh đề nghị cần phân loại rõ ràng từng dự án, chủ đầu tư trước khi công bố thông tin. Như cách công bố vừa rồi thì những sản phẩm hình thành trong tương lai sẽ bị tê liệt trong 2-3 tháng tới.

"Tôi e rằng thông tin như việc công bố 77 dự án cắm ngân hàng sẽ dẫn đến nguy cơ thị trường bị phá sản. Thị trường đứng "máu" là chết. Công khai cần minh bạch chứ không nên gây ngộ nhận, nhầm lẫn cho người tiêu dùng", ông Mạnh nói.

Công ty Hưng Lộc Phát cũng nằm trong danh sách chủ đầu tư "cắm" dự án vào nhà băng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, chủ đầu tư này đã thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 thuộc cao ốc Hưng Phát tại một ngân hàng.

Ngân hàng cho rằng, các doanh nghiệp bị nêu tên không có gì phải lo lắng
Ngân hàng cho rằng, các doanh nghiệp bị nêu tên không có gì phải lo lắng

Chủ đầu tư này đã có thông tin "bật" lại danh sách công bố của Sở. Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Hưng Lộc Phát khẳng định, tất cả 10 căn hộ của cao ốc Hưng Phát được nêu trong Công văn số 7067/TNMT-VPĐK đều là những căn hộ được công ty giữ lại phục vụ cho mục đích khác chứ hoàn toàn chưa bán ra cho bất cứ khách hàng nào. Tương tự, 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của công ty.

"Chúng tôi có thể thế chấp phần tài sản cho ngân hàng mà không ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ khách hàng nào đã mua nhà thuộc dự án. Vì thế, thông tin công bố của Sở có thể gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu và các dự án mà công ty chúng tôi đang triển khai", ông Lực nói.

"Cắm" ngân hàng là chuyện bình thường!

Dưới góc độ là đơn vị cho vay, cấp chứng thư bảo lãnh, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng Giám đốc ngân hàng Vietbank cho rằng, khi một dự án thế chấp ngân hàng thì mọi thủ tục pháp lý đã chỉn chu.

"Những dự án được công bố phải tốt hơn những dự án chưa được công bố, tức là đã hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý. Phải đủ điều kiện mới được thế chấp. Do đó, các doanh nghiệp bị nêu tên không có gì phải lo lắng", ông Nhung nói.

Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư VietHome cho rằng, cái gốc của vấn đề là phải làm sao có hành lang pháp lý chặt chẽ giữa chủ đầu tư, ngân hàng và khách hàng. "Nếu chủ đầu tư vay nhưng vẫn làm tốt và có thêm nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thì càng có lợi cho khách hàng. Nếu việc công bố thông tin không khéo léo có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực", ông Đào nói.

Thị trường bất động sản TPHCM chao đảo vì thông tin công bố dự án cầm cố ngân hàng
Thị trường bất động sản TPHCM chao đảo vì thông tin công bố dự án cầm cố ngân hàng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM dẫn ra Điều 56, Luật Kinh doanh BĐS khẳng định, việc chủ đầu tư thế chấp dự án là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng, cần chủ động công khai chi tiết, tránh trường hợp công bố thế chấp nhưng không rõ là thế chấp phần nào. Điều này hoàn toàn không phải là tiêu chí đánh giá uy tín năng lực của chủ đầu tư mà phải xem thực tế các dự án họ đã và đang triển khai.

"Dự án đã thế chấp không có nghĩa là chủ đầu tư không được bán. Ngân hàng cũng cần thu về dòng tiền nên nếu ngân hàng cho phép chủ đầu tư bán và kiểm soát dòng tiền này thì chủ đầu tư vẫn được phép bán. Do vậy, khách hàng hoàn toàn yên tâm, khi chủ đầu tư thực hiện việc huy động vốn theo đúng quy định", ông Châu khẳng định.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Thái Bình, Công ty Luật LNT & Partner cho rằng, thế chấp dự án là hoạt động bình thường của chủ đầu tư. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đã quy định, chủ đầu tư dự án trước khi bán nhà hình thành trong tương lai, phải nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng để cơ quan này xác nhận đáp ứng đủ điều kiện huy động vốn. Trước khi bán căn hộ, chủ đầu tư cũng phải làm thủ tục giải chấp căn hộ đó tại ngân hàng và phải có ngân hàng bảo lãnh. Do vậy, quy định pháp luật hiện rất chặt chẽ trong việc này.

Luật sư Bình cũng cho rằng, những người đã hoặc sắp mua nhà nên làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu họ cung cấp văn bản của cơ quan chức năng hoặc văn bản của ngân hàng, nơi chủ đầu tư thế chấp dự án, chứng minh căn hộ của họ không bị thế chấp. Còn chuyện chủ đầu tư thế chấp những phần còn lại, theo quy định, không phải là yếu tố đáng quan ngại.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm