Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng ASEAN phục hồi kinh tế
(Dân trí) - Sự chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN cần thiết trong quá trình phục hồi kinh tế của khu vực. Doanh nghiệp cần tiếp tục chung tay với chính phủ các nước ASEAN trong công cuộc này.
Quan điểm trên được Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2021 với chủ đề xây dựng tương lai kỹ thuật số bền vững trong khu vực ASEAN, diễn ra theo hình thức trực tuyến, chiều 25/10.
Phục hồi kinh tế không chỉ dựa một quốc gia
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho rằng, việc hiện thực hóa được mục tiêu kiểm soát và phục hồi kinh tế không thể chỉ nhờ vào nỗ lực của một chính phủ hay một quốc gia đơn lẻ mà cần sự nỗ lực, chung tay vun đắp của tất cả 10 nước thành viên ASEAN cũng như bạn bè, đối tác.
Phó Thủ tướng cho rằng, điều rất quan trọng đối với khu vực chúng ta trong giai đoạn Covid-19 đầy khó khăn này là các chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan trong ASEAN tập trung triển khai Khuôn khổ phục hồi toàn diện đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 37.
"ASEAN cũng cần tiếp tục triển khai các sáng kiến khác mà ASEAN đã thông qua với ba định hướng: Phục hồi, số hóa và tính bền vững, áp dụng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để thúc đẩy phục hồi xanh", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Thủ tướng khẳng định, khi khối ASEAN và các nước đối tác cùng chủ động, tích cực hợp tác để cùng hướng tới phát triển, ASEAN cần coi việc ứng phó Covid-19 và phục hồi kinh tế xanh là những mục tiêu quan trọng nhất. Bởi nó mang lại lợi ích và những điều tốt đẹp cho tất cả thành phần kinh tế cũng như người dân trong khu vực.
Để hướng tới những mục tiêu trên, Phó Thủ tướng tái khẳng định tầm quan trọng của Chiến lược tổng thể ASEAN về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc đẩy nhanh sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai (ASEAN SHIELD) do Brunei đề xuất năm nay.
Số hóa trở thành xu hướng toàn cầu
Thông tin tới hội nghị, Phó Thủ tướng chia sẻ, xu hướng số hóa đang trở thành nhu cầu toàn cầu, khối ASEAN cũng không nằm ngoài cuộc. Nắm bắt được xu hướng này, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 53 vào đầu tháng 9/2021 đã thông qua Lộ trình Bandar Seri Begawan (BSBR): Chương trình Nghị sự về chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của ASEAN và hội nhập kinh tế số.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng mong muốn hội nghị sẽ chia sẻ thêm kinh nghiệm, bài học thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực số hóa từ góc độ của doanh nghiệp và học giả. Các nước hỗ trợ cùng nhau áp dụng công nghệ cao; ứng dụng khoa học kỹ thuật để kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19; cùng giúp nhau đào tạo kỹ năng và kiến thức về số hóa. Nhờ đó, khu vực ASEAN mới có thể đạt được việc chuyển đổi số thành công, biến ASEAN thành một cộng đồng sáng tạo và có sức cạnh tranh cao trong nền kinh tế thế giới.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, bảo đảm hệ sinh thái kỹ thuật số cho tất cả các bên tham gia hướng tới khu vực phát triển kỹ thuật số đồng đều và bền vững. Việt Nam cũng sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cũng như các nước đối tác và nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất về chính sách, môi trường kinh doanh xanh để có thể tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh, đầu tư giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
Đại diện Chính phủ khẳng định sẽ nỗ lực tạo điều kiện thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đẩy mạnh phổ cập số. Chính phủ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác và tạo điều kiện để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ cao theo hướng tăng trưởng xanh, tạo việc làm xanh đối với tất cả các thành phần kinh tế.