Công bố "luồng xanh" quốc gia, vị trí chốt kiểm soát ra vào loạt địa phương
(Dân trí) - Tối 17/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố "luồng xanh" quốc gia trên hệ thống quốc lộ cho các phương tiện ưu tiên lưu thông quá cảnh qua các tỉnh, thành trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.
Trong văn bản gửi UBND các địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị phối hợp, chỉ đạo các cơ quan, sở, ban ngành triển khai các nội dung quan trọng.
Cơ quan Tổng cục cho biết, "luồng xanh" quốc gia trên hệ thống quốc lộ cho các phương tiện ưu tiên lưu thông quá cảnh, nội vùng qua các tỉnh, thành phố trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, lộ trình và bản đồ hướng di chuyển khi có các chốt kiểm soát, luồng xanh sẽ được cập nhật thường xuyên hàng ngày.
Sở GTVT các địa phương cập nhật luồng xanh quốc gia; xây dựng và công bố luồng xanh nội tỉnh, kết nối với luồng xanh quốc gia và luồng xanh các địa phương lân cận; lựa chọn và công bố các vị trí dừng nghỉ cho các phương tiện nêu trên phục vụ nhu cầu thiết yếu.
Tổng cục ĐBVN đề nghị thống nhất vị trí các khu vực chốt kiểm soát, bảo đảm an toàn phòng dịch, an toàn giao thông trên các quốc lộ thuộc "luồng xanh" quốc gia trên 8 tỉnh, thành phố đang kiểm soát (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng).
Tổng cục ĐBVN hướng dẫn tổ chức giao thông luồng xanh quốc gia cho các phương tiện ưu tiên lưu thông qua khu vực phòng, chống dịch Covid-19 như sau:
Ở khu vực phía Nam, phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông từ tỉnh Ninh Thuận đi về các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và TPHCM lưu thông theo các lộ trình: Hướng lưu thông từ tỉnh Ninh Thuận đi về tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và ngược lại.
Hướng lưu thông từ tỉnh Ninh Thuận đi về tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, TPHCM và ngược lại; Hướng lưu thông từ tỉnh Ninh Thuận đi về tỉnh Lâm Đồng và ngược lại; Hướng lưu thông từ tỉnh Ninh Thuận đi về tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và ngược lại.
Phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông từ tỉnh Lâm Đồng đi về các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và TPHCM lưu thông theo các lộ trình: Hướng lưu thông từ tỉnh Lâm Đồng đi về tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại; Hướng lưu thông từ tỉnh Lâm Đồng đi về tỉnh Bình Dương, Bình Phước và ngược lại.
Phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông từ tỉnh Bình Phước đi về các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và TPHCM lưu thông theo các lộ trình: Hướng lưu thông từ tỉnh Bình Phước đi về tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và ngược lại.
Phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông quá cảnh qua TPHCM lưu thông theo các lộ trình cụ thể: Hướng lưu thông từ các tỉnh miền Tây (tỉnh Long An) đi về tỉnh Bình Dương, Bình Phước và ngược lại; Hướng lưu thông từ các tỉnh miền Tây (tỉnh Long An) đi về tỉnh Đồng Nai và ngược lại; Hướng lưu thông từ các tỉnh miền Tây (tỉnh Long An) đi về tỉnh Tây Ninh và ngược lại; Hướng lưu thông từ tỉnh Tây Ninh đi về tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và ngược lại.
Phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông từ tỉnh Cà Mau đi về các tỉnh vùng Tây Nam Bộ và TPHCM lưu thông theo các lộ trình: Hướng lưu thông từ tỉnh Cà Mau đi về tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An và ngược lại; Hướng lưu thông từ tỉnh Cà Mau đi về tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và ngược lại.
Phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông từ tỉnh Kiên Giang đi về các tỉnh vùng Tây Nam Bộ và TPHCM lưu thông theo các lộ trình: Hướng lưu thông từ tỉnh Kiên Giang đi về tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và ngược lại; Hướng lưu thông từ tỉnh Kiên Giang đi về tỉnh An Giang, TP Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh và ngược lại.
Phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông từ tỉnh Trà Vinh đi về các tỉnh vùng Tây Nam Bộ và TPHCM lưu thông theo các lộ trình: Hướng lưu thông từ tỉnh Trà Vinh đi về tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An và ngược lại.
Ở khu vực miền Bắc, miền Trung, tổ chức phân luồng giao thông theo trục Bắc - Nam, hệ thống đường cao tốc, các trục kết nối. Cụ thể:
Trục Bắc Nam - quốc lộ 1: Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận.
Đường Hồ Chí Minh: Cao Bằng - Hà Nội - Hòa Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Kon Tum - Bình Phước - quốc lộ 14 (QL).
Hệ thống đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai; Hà Nội - Thái Nguyên; Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Các trục kết nối: QL2, QL3, QL4, QL4D, QL5, QL6, QL279, QL8, QL9, QL10, QL18, QL32, QL27C, QL19, QL24, QL25, QL26
Vị trí các chốt kiểm soát, bảo đảm an toàn phòng dịch, an toàn giao thông trên các quốc lộ thuộc "luồng xanh" quốc gia trên 8 tỉnh, thành phố, trong đó: Đồng Nai 5 chốt, Bình Dương 4 chốt, Bình Phước 1 chốt, TPHCM 1 chốt, Bà Rịa - Vũng Tàu 1 chốt, Bình Thuận 1 chốt, Ninh Thuận 2 chốt, Lâm Đồng 4 chốt.