Còn thắt chặt tiền, lãi suất khó giảm
Cần linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ mới có thể giải bài toán lãi suất cao. Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, về cuộc đua lãi suất.
Ông Ngân nói: Nghị quyết 11 của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội đã xác định rất rõ là chính sách tài khóa thắt chặt và điều hành chính sách tiền tệ phải chặt chẽ, thận trọng để đảm bảo công ăn việc làm và duy trì tăng trưởng của nền kinh tế ở mức hợp lý 6-6,5%/năm. Nhưng thực tế điều hành chính sách tiền tệ lại theo hướng thắt chặt, lạm phát vẫn rất cao.
Chính sách tiền tệ đã thắt chặt đến mức nào?
Nền kinh tế tăng trưởng như cơ thể đang phát triển (làm thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ), vì thế cần bổ sung máu (tiền trong lưu thông) để cơ thể hoạt động nhịp nhàng. Năm 2011 kinh tế tăng trưởng trên 6%, dự kiến tiền trong lưu thông tăng thêm 16%. Con số 16% cũng được xem là thắt chặt vì mọi năm con số này lên đến 25-30%.
Thế nhưng trong năm tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước chỉ bơm thêm 1%, dẫn đến một cơ thể lớn nhưng bị thiếu máu.
Tình trạng thiếu máu trầm trọng hơn khi giá cả tăng. Năm tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 12%, kinh tế tăng trưởng 5,43%, vì vậy cần phải có thêm tiền thì hoạt động của nền kinh tế mới không bị ảnh hưởng.
Giả sử rằng ở thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước có sử dụng hết chỉ tiêu tăng lượng tiền trong lưu thông của cả năm 2011 thì cũng chỉ đủ bù đắp cho mức tăng của giá cả và tăng trưởng kinh tế.
Vậy nút thắt của bài toán lãi suất là gì và khi nào lãi suất sẽ giảm?
Chúng ta quyết giữ tín dụng tăng trưởng dưới 20% thì phải linh hoạt hơn trong việc cung ứng tiền cho nền kinh tế trong hạn mức 16% đã được cho phép, cuộc đua lãi suất mới hạ nhiệt. Mức 16% tăng thêm là chỉ tiêu của cả năm 2011, bơm lúc nào là nghệ thuật của Ngân hàng Nhà nước. Không đợi đến cuối năm mới đạt được con số này, mà bơm ra, hút về nhịp nhàng để hỗ trợ kinh tế và kiểm soát lạm phát, nếu không vấn đề lãi suất cao sẽ khó hạ nhiệt.
Tiền đang bị thắt chặt, vì vậy giải pháp hành chính khó làm thay đổi tình hình. Theo tôi, phải bỏ ngay trần lãi suất huy động, cũng không nên áp trần lãi suất cho vay vì trở lại bệnh cũ, không khả thi. Nên bỏ trần để tăng tính minh bạch cho thị trường.
Vừa qua quy định trần lãi suất huy động nhưng thanh tra Ngân hàng Nhà nước không đủ sức giám sát, một số ngân hàng không tuân thủ pháp luật, thiếu tôn trọng đạo đức kinh doanh đã dẫn đến đua lãi suất. Nếu áp dụng trần lãi suất huy động thì Ngân hàng Nhà nước phải sẵn sàng cho các ngân hàng thương mại vay khi cần vốn ở mức lãi suất trần đã quy định. Nếu không, mức trần mới có thể là điểm xuất phát mới cho các cuộc đua lãi suất huy động.
Cũng không nên có trần lãi suất cho vay vì năm 2008 Ngân hàng Nhà nước từng áp dụng, sau đó các ngân hàng đã lách bằng cách đặt ra nhiều loại phí, cuối cùng phải bỏ trần lãi suất cho vay. Rất khó để áp trần lãi suất cho vay vì hiện nay các ngân hàng đã huy động 16-17%/năm, chi phí hoạt động 3%, cả thảy là 19-20%, nếu cho vay 18% thì ngân hàng lấy gì bù vào, rồi họ cũng sẽ lách.
Nếu dỡ bỏ trần lãi suất huy động, lãi suất có thể tăng lên, người gửi tiền phải cân nhắc khi gửi cho ngân hàng có lãi suất cao, bởi lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn, trong khi bảo hiểm tiền gửi chỉ có giới hạn.
Liệu có mâu thuẫn khi một mặt chúng ta vẫn phải đeo đuổi mục tiêu chống lạm phát nhưng lại linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ?
Chúng ta linh hoạt chứ không nới lỏng tiền tệ, vả lại lạm phát hiện có nhiều yếu tố của giá cả tăng, trong khi chi tiêu công đã thắt chặt. Các năm trước tín dụng tăng 25-30%/năm, gây sức ép lớn lên lạm phát. Năm nay tín dụng tăng dưới 20% đã phát đi tín hiệu vay vốn khó khăn hơn.
Vì vậy phải linh hoạt để giảm lãi suất và dùng lãi suất để đưa vốn đến các mục tiêu ưu tiên: vay sản xuất, làm hàng xuất khẩu thì 14-15%/năm; đi buôn 16-18%/năm; tiêu dùng, đầu tư chứng khoán 22-25%... Đừng hoảng hốt khi ngân hàng đưa ra lãi suất vay tiêu dùng để mua ôtô đến 25%/năm. Tại Thái Lan, vay sản xuất 6-7%/năm nhưng vay tiêu dùng là 16-17%/năm.
Lãi suất cao, ngoài điều hành, phải chăng còn nguyên nhân nào khác?
Nhiều năm qua, chúng ta áp dụng nguyên tắc lãi suất huy động thực dương, tức cao hơn lạm phát, có lợi cho người gửi nhưng gây khó cho người vay. Thị trường chứng khoán cũng bị “vạ lây” khi cổ đông đòi hỏi cổ tức phải cao hơn lãi suất tiết kiệm, nếu không họ sẽ gửi ngân hàng. Hệ quả của chính sách lãi suất tiền gửi thực dương là khuyến khích tiêu dùng thay vì sản xuất.
Ở các nước, người ta theo nguyên tắc thực dương với lãi suất cho vay. Người gửi tiền phải chấp nhận lãi suất thấp hơn lạm phát nhưng thị trường chứng khoán sẽ thu hút được vốn, doanh nghiệp tạo công ăn việc làm.
Chúng ta sớm tiếp cận nguyên tắc điều hành lãi suất mới, có lộ trình thực hiện để hướng tiền nhàn rỗi chảy vào kênh đầu tư. Phải điều hành tỉ giá theo hướng giữ USD không có lợi. Vàng thì chỉ còn cơ hội tăng giá do yếu tố bên ngoài, vì thế rủi ro rất cao. Tới đây việc cho vay bất động sản tiếp tục bị siết, cơ hội tăng giá cao không còn nữa. Khi đó chỉ còn kênh góp vốn, mua cổ phần để hưởng lợi từ hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo Thanh Tuyền
Tuổi trẻ