Còn tâm lý nôn nóng gỡ gạc, nhà đầu tư chứng khoán có thể càng thua đau
(Dân trí) - Chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán sớm nhất phải đợi đến hết quý I/2023 mới có thể chuyển biến tích cực. Cơ hội lúc này vẫn có nhưng nhà đầu tư phải đãi cát tìm vàng.
Nhận định về chứng khoán thời gian tới, ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty cổ phần WiGroup, cho biết thị trường phụ thuộc vào dòng tiền nhưng thị trường tiền tệ nhìn chung vẫn sẽ căng thẳng trong quý IV năm nay trước khi chuyển biến tốt hơn vào năm 2023. Do đó, thị trường chứng khoán sẽ tốt hơn vào năm tới. Quan điểm này được ông Báu đưa ra tại hội thảo "Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới" do Vietnambiz tổ chức ngày 27/9.
Theo ông Báu, 2022 là một năm tốt về kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhưng lại xấu về thị trường tiền tệ. Tỷ giá được dự báo sẽ vẫn gặp áp lực lớn, đặc biệt vào đầu quý IV tới còn lãi suất lại tăng lên. Dòng tiền trên thị trường tiếp tục bị hút ròng. Ngược lại, kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm tới sẽ không tốt như năm nay nhưng thị trường tiền tệ sẽ tốt hơn, lãi suất sẽ đi ngang, tỷ giá sẽ ổn định dần.
Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty Tư vấn Đầu tư FIDT, cũng cho rằng thị trường chứng khoán sẽ phải đợi đến ít nhất hết quý I/2023 mới có thể khởi sắc. Ông Tuấn phân tích chứng khoán về dài hạn là sự kỳ vọng, phản ánh trước các diễn biến về kinh tế từ một đến 3 quý.
Chuyên gia này cho rằng thực tế thị trường chứng khoán rất tích cực vào cuối năm 2021 đã phản ánh kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam năm nay. Trong khi đó, hiện tại, diễn biến ảm đạm của thị trường cũng đón đầu dự báo về những áp lực của kinh tế trong năm 2023 với việc lạm phát tăng, cầu tiêu dùng, xuất khẩu chậm lại.
Còn trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán chịu sự ảnh hưởng của dòng tiền. Khi lãi suất tăng như hiện nay, dòng tiền rút khỏi thị trường nên chỉ số không thể đi lên.
Theo ông Tuấn, nhà đầu tư nếu đang thua lỗ cần phải chấp nhận sự thất bại trong giai đoạn này thay vì nôn nóng tìm cách gỡ gạc rồi dẫn đến thêm nhiều quyết định sai lầm, thiệt hại càng nặng nề. Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh thị trường luôn tồn tại cơ hội nên nhà đầu tư vẫn có cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt với mức giá hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
Một số nhóm ngành có tính chất phòng thủ mà nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn gồm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tiện ích cơ bản như điện, nước, bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu, y tế, dược phẩm. Ngoài ra, Việt Nam được dự báo vẫn sẽ là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài nên các nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng cũng có nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, với từng nhóm ngành, nhà đầu tư phải sàng lọc, cân nhắc kỹ càng để lựa chọn đúng cổ phiếu.
Còn ông Đào Minh Châu, Phó giám đốc Khối Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng muốn đầu tư ngắn hạn, cần xác định rõ xu hướng thị trường chung. Khi thị trường đi lên có thể dành cả 100% danh mục cho cổ phiếu nhưng khi thị trường đi ngang cần giảm tỷ trọng, không vay ký quỹ (margin) và khi thị trường chung đi xuống cần mạnh tay giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Ông Châu cũng cho rằng nhà đầu tư cá nhân nên nhớ câu nói "mua vì lý do gì thì bán vì lý do đấy". Nếu mua cổ phiếu vì đồ thị kỹ thuật, nhà đầu tư cần nhanh chóng cắt lỗ khi đồ thị giá xấu đi, ngưỡng hỗ trợ bị xuyên thủng. Ngược lại, nếu chọn cổ phiếu vì các yếu tố cơ bản, nhà đầu tư cần bình tĩnh xem xét liệu doanh nghiệp đó có còn giữ được những tiêu chí như mình lựa chọn hay không.