1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sếp doanh nghiệp "nổ", nhà đầu tư thua lỗ vì trót tin, ai chịu trách nhiệm?

Việt Đức

(Dân trí) - Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phát biểu quá lố về doanh nghiệp của mình nhưng kết quả thực tế lại kém xa. Chỉ có nhà đầu tư trót tin tưởng sếp doanh nghiệp rồi mua cổ phiếu theo là chịu thiệt hại.

Theo ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM - hành vi thao túng diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp trong bối cảnh thị trường chứng khoán 2 năm vừa qua tăng trưởng rất nhanh.

Nhận định trên được ông Năng đưa ra tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ lễ trao giải cho các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) tốt nhất tại Việt Nam do Hiệp hội Các nhà Quản trị Tài chính Việt Nam (VAFE), Vietstock đồng tổ chức ngày 15/9.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có cơ sở pháp lý để quyết thực thi việc chống các hành vi thao túng trên thị trường như được quyền mời các cá nhân đến làm việc, tra soát dòng tiền để kiểm tra giao dịch.

Tuy nhiên, cơ chế phối hợp liên ngành giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước thực tế chưa nhịp nhàng, dẫn đến việc triển khai các biện pháp trên còn một số hạn chế. Cụ thể, có trường hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mời lên làm việc nhưng vẫn không lên hay việc muốn tra soát dòng tiền trong tài khoản ngân hàng cụ thể của một cá nhân nào đó cũng gặp khó khăn.

Một trường hợp khác cần điều chỉnh, theo ông Năng, là việc lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra nhiều phát ngôn quá tích cực, vượt xa tình hình thực tế của công ty của mình. Cổ đông tin tưởng, hành động theo, nhưng kết quả thực tế của doanh nghiệp lại không được như phát ngôn đã đưa ra nên nhà đầu tư chịu thiệt hại. Ông Lê Nhị Năng cho rằng, hiện chưa có chế tài để xử lý nghiêm túc vấn đề trên.

Sếp doanh nghiệp nổ, nhà đầu tư thua lỗ vì trót tin, ai chịu trách nhiệm? - 1

Trước khi dính vòng lao lý, ông Trịnh Văn Quyết nhiều lần đưa ra tuyên bố hùng hồn về cổ phiếu FLC, ROS (Ảnh: Việt Đức).

Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty Tư vấn Đầu tư FIDT, nhìn nhận dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong hai năm qua nhưng quy mô nhìn chung vẫn còn nhỏ so với các thị trường khác. Vì vậy, những hành vi thao túng vẫn dễ tồn tại, tạo ra những mô hình thu hút nhà đầu tư cá nhân lao vào một số mã cổ phiếu nóng.

Nhìn nhận trên bình diện mặt bằng chung, ông Tuấn cho biết, kiến thức của nhóm nhà đầu tư cá nhân còn khá thấp. Nhiều người tham gia thị trường chứng khoán với kỳ vọng có thể nhân 2, nhân 3 lần tài khoản trong thời gian ngắn, hay muốn nhanh có lợi nhuận 5-7% sau 2, 3 phiên giao dịch. Nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến tin nóng thay vì chất lượng doanh nghiệp.

"Việc đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán thật sự rất khó. Trên sàn có đến hơn 1.800 doanh nghiệp, có thể nói thượng vàng hạ cám có đủ cả", ông Tuấn nhắn nhủ đến các nhà đầu tư cá nhân.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành khối đầu tư của VinaCapital, nhìn nhận, môi trường làm việc tại Việt Nam nhìn chung chưa quá khắt khe nên việc nhiều người trong giờ hành chính vừa làm việc vừa mua bán cổ phiếu tương đối phổ biến. Tuy nhiên, theo thời gian, năng suất lao động sẽ phải tăng lên, người lao động sẽ phải tập trung vào công việc của mình với tính chuyên môn hóa cao hơn.

Vì vậy, dù dự báo số lượng người tham gia thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng trong dài hạn khi tỷ lệ dân số tham gia đầu tư tài chính còn thấp, bà Thu cho rằng xu hướng chung là nhà đầu tư cá nhân sẽ dần chuyển sang phương pháp ủy thác cho các quỹ chuyên nghiệp.

Để tồn tại bền vững trên thị trường, bà Thu đưa ra lời khuyên nhà đầu tư cá nhân nên xác định tâm lý dài hạn hơn chứ không phải chỉ giao dịch theo T+2, kiếm lợi nhuận 5-7% rồi rút ra.