1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Khánh Hòa:

Cơn sốt cau non: Người dân “bán” cả vườn cau cho thương lái

(Dân trí) - Thời gian gần đây các thương lái ở Khánh Hòa ồ ạt thu mua cau non với giá “khủng” để bán sang Trung Quốc khiến người dân bất chấp “bán” cả vườn cho thương lái hái quanh năm.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, việc thương lái ồ ạt thu mua cau non ở Khánh Hòa đã tạo nên một “cơn sốt” chưa từng có. Những ngày này, các thương lái đổ xô đi khắp các vườn cau ở TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, huyện Khánh Sơn… để lùng mua cau non.

Một điểm thu mua cau non ở xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa
Một điểm thu mua cau non ở xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa

Thương lái mua luôn cả vườn

Bà Trần Thị Năm ở thôn 2, xã Diên An (huyện Diên Khánh), cho biết, chưa năm nào thương lái lùng sục hỏi mua cau non mạnh như năm nay.

Bà Năm kể, cứ 2-3 ngày thì có người đi xe máy dạo qua nhà bà hỏi mua cau. “Nhà tôi có 10 cây cau. Mọi năm có buồng thì không ai mua, nhưng năm nay không có buồng thì người hỏi mua rất nhiều”, bà Năm chặc lưỡi tiếc.

Theo bà Năm, bình thường một buồng cau 120 trái bán ở chợ rẻ như rau, nhưng thương lái lại tới nhà thu mua 25.000 - 30.000 đồng/buồng. Thậm chí để có “hàng” đều đặn, các thương lái còn “gạ” chủ nhà cho họ tự hái cả vườn (khoảng 10-12 cây) với giá 200.000 - 300.000 đồng/năm. Đến ngày 30 tháng Chạp, thương lái trả vườn cho chủ nhà và bắt đầu “đàm phán” để tiếp tục hái trong năm tới, hoặc chủ nhà “bán” cho thương lái khác với mức giá thỏa thuận.

“Bán như thế nếu có buồng thì thương lái lời nhưng nếu mất mùa thì thương lái chịu! Mấy năm trước có ma nào mua cau đâu, rồi rụng tùm lum, mình quét đem vứt thôi”, bà Năm nói thêm.


Chở cau non đi bán trên đường phố thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh

Chở cau non đi bán trên đường phố thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh


Các thương lái nhộn nhịp đưa cau non đến bán

Các thương lái nhộn nhịp đưa cau non đến bán

Tương tự, ông H., một người dân có tuổi ở thôn Võ Dõng, xã Vĩnh Trung (TP Nha Trang), cho biết, dạo này thương lái cũng hay ghé qua các hộ dân trong thôn thu mua cau.

“Nhà tôi có 15 cây cau nhưng cũng cho thương lái hái cả năm với giá 200.000 đồng/năm”, ông H. nói. Theo các nhà vườn, vì thấy cau được giá nên họ mới bán kiếm tiền. “Tôi thấy họ hỏi mua thì bán chứ không biết họ mua để làm gì”, một người dân cho biết.

Mua cau non sấy khô, bán sang Trung Quốc

Vào khảng 9h ngày 23/9, tại huyện Diên Khánh, PV Dân trí chứng kiến hoạt động vận chuyển cau non của lái buôn đi tiêu thụ rất nhộn nhịp. Một người đàn bà lớn tuổi chở 4 buồng cau non sai trái trên QL1A (đoạn qua thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) cho biết, ngày nào bà cũng thu mua cau để bán lại cho các đầu nậu. “Tôi mua tại vườn là 5.000 đồng/kg rồi bán lại cho chủ nậu ở huyện Diên Khánh từ 8.000-10.000 đồng/kg”, bà nói.

Thương lái ồ ạt thu mua cau non ở Khánh Hòa

Khoảng 9h15 cùng ngày, tại một điểm thu mua cau non trên QL1A của bà Nguyễn Thị Rọ (72 tuổi, đội 6, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh) có rất đông lái buôn chạy xe máy chở nhiều bao tải cau non đến bán lại. Bà Rọ cho biết bình quân mỗi ngày bà thu mua từ 1-2 tấn cau non. “Cau thu mua phải là cau non, có nước mới sấy được để làm kẹo”, bà Rọ nói.

Ông Nguyễn Đức Chí, đồng thu mua cau tại nhà bà Rọ cho biết thêm, hiện giá cau họ thu mua là 10.000 đồng/kg và ở vùng này có 3 chủ nậu lớn đứng ra thu mua cau non. “Có thời điểm giá cao là 13.000-14.000 đồng/kg, và đây là mức giá cao nhất trong 9 năm qua”, ông Chí nói.

Theo các cơ sở thu mua, cau phải là cau non, có nước mới có thể sấy khô làm kẹo cau
Theo các cơ sở thu mua, cau phải là cau non, có nước mới có thể sấy khô làm kẹo cau

Theo ông Chí, cau non sau khi thu mua sẽ được luộc, sấy khô và bán sang Trung Quốc để làm kẹo cau. “Các chủ nậu ở phía Bắc, đặc biệt ở Hải Phòng sẽ vào đây thu gom cau sấy khô để bán sang Trung Quốc. Chúng tôi chỉ thu mua rồi ăn hoa hồng”, ông Chí tiết lộ thêm.

Được biết, không chỉ ở Khánh Hòa, tình trạng ồ ạt thu mua cau non bán sang Trung Quốc cũng từng diễn ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… Theo các địa phương, cau không phải là cây trồng chính, có giá trị kinh tế cao, việc người dân bán cau non hay cau già không ảnh hưởng gì đến cây cau. Tuy nhiên, các thương lái cần cẩn trọng khi mua bán bởi đã có nhiều trường hợp ồ ạt gom hàng rồi đến khi không xuất hàng đi được, thua lỗ, ôm nợ do phía thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng ăn hàng.

Viết Hảo

Cơn sốt cau non: Người dân “bán” cả vườn cau cho thương lái - 5