Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu
(Dân trí) - Nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2015 về mức 2,55% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Sáng nay (26/9), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp cùng với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu tại Việt Nam: giảm thiểu rủi ro trong ngành ngân hàng và cải thiện sự phát triển của nền kinh tế”.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Phi Lân - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ giám sát An toàn hoạt động Ngân hàng (Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng - NHNN) đã chỉ ra khó khăn lớn nhất gặp phải trong quá trình xử lý nợ xấu. Đó là, giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn, gây rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) chưa cao. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ và quá trình xử lý còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến tài sản đảm bảo
Cũng theo ông Lân, trong giai đoạn trước, công tác xử lý nợ xấu của các TCTD đã đạt được bước đầu thành công. Nợ xấu được kiềm chế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2015 được đưa về mức 2,55% tổng dư nợ tín dụng.
Bên cạnh đó, VAMC đã thực hiện chức năng là công cụ đặc biệt, hỗ trợ các TCTD trong việc phân bổ chi phí xử lý nợ xấu (thông qua việc trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt), hỗ trợ cơ cấu lại doanh nghiệp. Qua đó, góp phần xử lý nợ xấu, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Với đề án mới, kỳ vọng đặt ra là tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường nhưng trên nguyên tắc thận trọng, ảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản.
Cùng với đó, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém đã được phê duyệt phương án xử lý).
Đề cập đến giải pháp xử lý nợ xấu, ông Lân cho rằng: “Giải pháp về mua nợ xấu theo giá trị thị trường và nâng cao năng lực tài chính của VAMC, trong đó có tiêu chí các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC, cách thức mua nợ, giá mua nợ, cho phép VAMC tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng (lộ trình đến năm 2020).
Ngoài ra, cần thành lập các Tổ công tác liên ngành về xử lý nợ xấu của các TCTD; xử lý các khoản nợ liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu theo chương trình dự án của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Cũng trong thời gian qua, NHNN đã ban hành ra nhiều văn bản pháp luật, quy định về giám sát hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương liên quan để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện.
Tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Các giải pháp được đưa ra hôm nay sẽ góp phần hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam để giúp cho quá trình xử lý nợ xấu được triển khai nhanh và xử lý dứt điểm”.
“Về quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu cũng gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải học hỏi kinh nghiệm từ rất nhiều nước trên thế giới. Bởi vì, với các nước trên thế giới, quá trình tái cơ cấu cũng mất rất nhiều thời gian và nguồn lực về tài chính. Nên Việt Nam rất muốn học hỏi các kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, kể cả kinh nghiệm thành công hay thất bại”, bà Hồng nhấn mạnh.
Thế Hưng