1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phân bổ tín dụng sai lệch, nguy cơ tăng nợ xấu trong tương lai?

(Dân trí) - HSBC cho rằng, tăng trưởng tín dụng cao không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.

Dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Hôm nay 11/9, Ngân hàng HSBC đã phát đi bản báo cáo Triển vọng Thị trường Việt Nam với tiêu đề "Tín dụng nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng". Theo đánh giá của nhóm chuyên gia ngân hàng này, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% có thể dễ dàng đạt được với đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cắt giảm lãi suất trong tháng 7.

Tuy nhiên, HSBC lo ngại điều này có thể gây ra nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình giải quyết nợ xấu vẫn còn chậm và chất lượng tín dụng có thể được tạo ra trong việc đạt được mục tiêu mới. Hơn nữa, việc phân bổ tín dụng là rất quan trọng vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phải cạnh tranh về vốn với các doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn khác.

"Việc NHNN cắt giảm lãi suất bất ngờ trong tháng 7 đã thể hiện rõ Chính phủ Việt Nam có kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017 thông qua kênh tín dụng. Chi tiêu của Chính phủ đã được giám sát kỹ do nợ công đang gia tăng, gần đạt đến giới hạn do Chính phủ tự đề ra là 65% GDP. Hơn nữa, một cuộc điều tra của NHNN được thực hiện ngay trước khi cắt giảm lãi suất cho thấy tăng trưởng tín dụng cho năm 2017 dự kiến ​​chỉ đạt 16,3%, thấp hơn so với mục tiêu ban đầu 18% của NHNN", bản báo cáo phân tích.

Điều này không có nghĩa là tăng trưởng tín dụng bị tụt lại. Theo HSBC, thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây. Trong sáu tháng đầu năm 2017, tín dụng đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng sáu năm qua.

Nhóm chuyên gia kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ còn tăng tiếp trong quý IV/2017 và dễ dàng vượt mức 18,3% của năm 2016. Giả định tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm vẫn tương ứng với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đến cuối năm sẽ đạt mức 19,3%. Trong khi đó, việc cắt giảm lãi suất của NHNN trong tháng Bảy cũng sẽ giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng và làm cho Chính phủ dễ dàng đạt được mục tiêu mới 21% do Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Rủi ro kinh doanh

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả. Ví dụ, các lĩnh vực liên quan đến bất động sản dường như cho thấy vẫn đang góp phần nhiều nhất cho tổng tăng trưởng tín dụng cả nước mặc dù trong những tháng gần đây thì sự đóng góp của bất động sản đã giảm.

Ngành bất động sản của đất nước đã mất đi vị thế sau thời kỳ bong bóng 2006-2008, đây cũng là một trong những lý do chính làm gia tăng nợ xấu và khủng hoảng ngành ngân hàng hồi năm 2011.


Bất động sản vẫn là ngành đóng góp chính cho tăng trưởng tín dụng.

Bất động sản vẫn là ngành đóng góp chính cho tăng trưởng tín dụng.

Hơn nữa, những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng, các doanh nghiệp Nhà nước đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một nghiên cứu thực nghiệm của IMF cũng cho thấy các DNNN vay với lãi suất thấp hơn so với các doanh nghiệp tư nhân. Điều này cho phép các DNNN yếu tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để tránh tình trạng thu hẹp bảng cân đối kế toán.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát của WB về các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy chỉ có 29% số doanh nghiệp nhỏ (có từ 1-20 nhân viên) có một hạn mức tín dụng chủ động, trong khi các DNNN và các công ty lớn trong nước có thị phần tín dụng lớn nhất trên thị trường.

Do đó, dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng cao không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm trong những năm gần đây phần nào gây hiểu lầm về mức nợ thật sự của các khoản vay có vấn đề trong nền kinh tế. Một phần của việc giảm nợ xấu là do chuyển cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC), nơi mà rủi ro tín dụng cơ bản của các khoản vay này chưa được loại trừ hoàn toàn.

Dấu hiệu tích cực của nền kinh tế

Dù chỉ ra những lo ngại nhưng bản báo cáo cũng nhấn mạnh tới một số dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Trong đó, Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong các ngành công nghiệp kém hiệu quả. Chính phủ gần đây đã ban hành các biện pháp mới giúp các ngân hàng và Công ty VAMC dễ dàng hơn trong việc chiếm hữu tài sản thế chấp trong trường hợp khách hàng mất khả năng trả nợ, tăng khả năng thu hồi tài sản từ nợ xấu.

Việc cổ phần hoá và cải cách DNNN đang diễn ra vẫn là vấn đề cốt yếu đối với việc cân bằng sân chơi tiếp cận tín dụng vì nó có thể giúp chuyển các khoản tín dụng hỗ trợ các DNNN yếu kém sang giúp thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân. Như HSBC đã lưu ý, đây là một mảng đã có sự phát triển mạnh mẽ khi gần đây các khoản đầu tư ngoài quốc doanh đã bắt kịp với đầu tư Nhà nước về thị phần trong tổng số đầu tư vào nền kinh tế.

Nguyễn Hiền