1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

"Cơn điên" của tiền chưa hạ nhiệt, cổ phiếu "họ FLC" nổi sóng

Mai Chi

(Dân trí) - Gần 21.500 tỷ đồng là số tiền mà giới đầu tư đã giải ngân vào thị trường chứng khoán trong phiên 11/1. Hơn 600 mã cổ phiếu tăng giá, 111 mã tăng trần, trong số đó cổ phiếu "họ FLC" nhuộm sắc tím.

"Cơn điên" của dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên thị trường chứng khoán trong phiên mở đầu tuần giao dịch mới (11/1). Thị trường chứng kiến có tới 18.540,38 tỷ đồng đổ vào sàn HSX với khối lượng giao dịch đạt 845,85 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, khối lượng giao dịch là 137,89 triệu cổ phiếu tương ứng 2.106,36 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 52,28 triệu đơn vị tương ứng 850,75 tỷ đồng.

Tính chung, chỉ trong phiên 11/1, cả 3 sàn trên thị trường chứng khoán cơ sở đã thu hút khối lượng vốn lên tới 21.497,49 tỷ đồng.

Cơn điên của tiền chưa hạ nhiệt, cổ phiếu họ FLC nổi sóng - 1

Nhóm cổ phiếu liên quan tới các doanh nghiệp của đại gia Trịnh Văn Quyết bất ngờ "nổi sóng"

Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của dòng tiền, các chỉ số trên thị trường tiếp tục tăng mạnh. VN-Index có thêm 17,2 điểm tương ứng 1,47% ngay trong phiên giao dịch đầu tuần và hiện tại đã đạt 1184,89 điểm, ngày một tiến sát hơn đỉnh lịch sử 1200 điểm.

HNX-Index vững vàng tăng 1,72 điểm tương ứng 0,79% lên 219,12 điểm và UPCoM-Index đạt mức tăng 0,88 điểm tương ứng 1,16% lên 76,95 điểm.

Trong phiên này có đến 601 mã tăng giá trên cả 3 sàn giao dịch, có 111 mã tăng trần trong khi phía giảm ghi nhận có 281 mã với 20 mã giảm sàn. Bức tranh thị trường nhìn chung vẫn đang được bao phủ với sắc xanh chủ đạo.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc phần lớn nhà đầu tư có lãi trong phiên này. Với một phiên tăng trần của cổ phiếu, mức lợi nhuận đã vượt so với mặt bằng tiết kiệm trong bối cảnh hiện tại, dễ hiểu động lực khiến nhà đầu tư mới liên tục gia nhập thị trường bất chấp các chỉ số đã tăng "nóng".

Cổ phiếu penny vẫn đang được ưa thích. Những mã nhỏ này chiếm ưu thế vì thị trường hiện nay không chỉ là cuộc chơi của những "ông lớn" mà còn có nhà đầu tư nhỏ lẻ, do đó, những cổ phiếu có thị giá thấp thường là lựa chọn có tính ưu tiên cao. Và hưởng lợi ở phiên này chính là cổ đông "họ FLC".

Cơn điên của tiền chưa hạ nhiệt, cổ phiếu họ FLC nổi sóng - 2

Nhóm cổ phiếu "họ FLC" đồng loạt tăng trần và "cháy hàng" đầu tuần

Ngoại trừ GAB, các mã trong "hệ sinh thái" của tập đoàn FLC phiên đầu tuần đều tăng trần và trắng bên bán. KLF tăng trần lên 2.700 đồng, khớp lệnh 11,25 triệu cổ phiếu; FLC tăng trần lên 4.750 đồng, khớp hơn 31 triệu cổ phiếu; ROS cũng tăng trần lên 2.690 đồng, khớp 21,17 triệu cổ phiếu.

Trong khi các lệnh bán giá trần đều được hấp thụ một cách nhanh chóng thì tại FLC vẫn còn dư mua trần 2,68 triệu đơn vị; dư mua trần đối với HAI là 1,29 triệu đơn vị và với ROS là 6,62 triệu đơn vị.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa là cổ phiếu vốn hóa cao lại lép vế trong cuộc đua tăng giá. Những mã cổ phiếu có thị giá "chót vót" trong phiên này cũng nhuốm xanh.

SAB tăng 2,1% lên 202.300 đồng, GAB tăng nhẹ 0,1% lên 195.700 đồng; RAL tăng 3,9% lên 156.000 đồng; MWG tăng 3,6% lên 126.200 đồng; VNM tăng 3,5% lên 115.900 đồng; VIC tăng 1,8% lên 113.800 đồng. MSN, GAS, TN1 cũng tăng giá.

Đáng chú ý, VHM của Vinhomes tăng trần lên 103.100 đồng và không hề còn dư bán. Mã này đóng góp cho mức tăng chung của VN-Index tới 6,01 điểm.

Cổ phiếu ngành hàng không hôm nay khởi sắc. VJC của Vietjet Air tăng 3,8% lên 131.300 đồng; HVN tăng trần lên 31.200 đồng và  không hề có dư bán cuối phiên. Chưa kể FLC cũng tăng trần như đã đề cập ở trên.

VN-Index đang hướng đến vùng đỉnh lịch sử 1200-1220 điểm. Mặc dù vậy, các chuyên gia chứng khoán từ BVSC vẫn lưu ý rằng, đây là vùng kháng cự tâm lý mạnh trong khi tình trạng quá mua của thị trường tiếp tục lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu. Điều này có thể sẽ tạo ra các phiên rung giật mạnh của thị trường trong quá trình đi lên.

BVSC cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tiếp tục luân phiên có diễn biến tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Dòng tiền vẫn sẽ tập trung sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này.

Cổ phiếu thuộc các ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, thép… được dự báo nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh quý 4 tích cực. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dần theo thông tin kết quả lợi nhuận quý 4 và cả năm của các doanh nghiệp niêm yết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm