“Cơn đại hồng thuỷ” cuốn phăng tỷ USD của đại gia trên sàn chứng khoán

(Dân trí) - Tâm lý hoảng loạn lan rộng đã khiến nhà đầu tư thực hiện bán tháo, bất chấp chất lượng chứng khoán. Hàng trăm cổ phiếu giảm sàn, có mã “bốc hơi” gần 1 tỷ USD vốn hoá trong sáng nay.

Sau khi rơi tự do trong 30 phút đầu phiên sáng nay, đà giảm đã được hãm lại tuy nhiên, VN-Index vẫn ghi nhận mức thiệt hại nặng nề.

“Cơn đại hồng thuỷ” cuốn phăng tỷ USD của đại gia trên sàn chứng khoán - 1

Tạm dừng giao dịch, đến trưa nay, VN-Index đã đánh mất tới 45,9 điểm tương ứng 5,66% còn 765,45 điểm; HNX-Index mất 4,27 điểm tương ứng 4,05% còn 101,25 điểm. UPCoM giảm 1,48 điểm tương ứng 2,82 điểm xuống 51 điểm.

Dòng tiền bắt đáy đổ mạnh vào thị trường tuy nhiên vẫn không thể cứu vãn được đà lao dốc của hầu hết cổ phiếu trên cả 3 sàn giao dịch.

Trên HSX, khối lượng giao dịch đạt 209,84 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch là 2.863,83 tỷ đồng. HNX có hơn 42 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 429,8 tỷ đồng và thị trường UCPoM cũng có 11,58 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 123,11 tỷ đồng.

Theo thống kê có đến 379 mã giảm giá và có tới 166 mã giảm sàn trên toàn thị trường trong khi đó chỉ có 61 mã tăng và 21 mã tăng trần. Riêng sàn HSX có 195 mã giảm và 101 mã giảm sàn.

Tại thời điểm tạm đóng cửa, VIC giảm 6.500 đồng, VJC giảm 6.500 đồng, VCB giảm 5.200 đồng Đáng nói là VHM giảm sàn mất 5.300 đồng còn 71.200 đồng. MSN giảm sàn mất 3,450 đồng còn 46.500 đồng. Hai ông lớn dầu khí là GAS giảm sàn 4.400 đồng còn 59.400 đồng và PLX cũng giảm sàn 2.850 đồng còn 38.050 đồng.

Nhóm “đại gia ngân hàng” như BID thiệt hại nặng, giảm sàn mất 2.750 đồng còn 36.700 đồng. VPB giảm sàn mất 1.650 đồng còn 22.550 đồng. TCB giảm sàn mất 1.350 đồng còn 17.950 đồng… Việc cổ phiếu lớn mất giá đã tạo ra áp lực rất nặng nền lên triển vọng phục hồi của chỉ số.

“Cơn đại hồng thuỷ” cuốn phăng tỷ USD của đại gia trên sàn chứng khoán - 2

Bức tranh thị trường nhuốm sắc đỏ giảm giá và màu xanh xám của cổ phiếu giảm sàn

Chưa kể, vốn hoá thị trường sẽ tiếp tục ghi nhận hàng tỷ USD trong sáng nay. Chỉ điểm qua thiệt hại của một số mã lớn có thể thấy tâm lý hoảng loạn lan rộng đã khiến nhà đầu tư thực hiện bán tháo, bất chấp chất lượng cổ phiếu.

Cụ thể, sáng nay, chỉ tính thiệt hại về vốn hoá thị trường của VIC đã lên tới 22.662 tỷ đồng; vốn hoá thị trường VCB cũng sụt giảm tới 19.286 tỷ đồng; vốn hoá VHM giảm 17.434 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, một loạt mã cổ phiếu đáng chú khác như VCS cũng giảm sàn mất 6.000 đồng, KBC giảm sàn mất 900 đồng, HBC, ROS, OGC… đều giảm sàn. Nhiều mã trong số này đều “trắng bên mua” và dư bán giá sàn khối lượng lớn.

Giữa cơn lốc giảm giá của thị trường chung, một số mã vẫn “bền gan” giữ được trạng thái tăng giá. Cụ thể, SAB tăng 3.000 đồng lên 155.00 đồng. QCG thậm chí vẫn tăng trần lên 7.800 đồng, không hề có dư bán và dư mua giá trần lên tới 515 nghìn cổ phiếu.

Nhìn chung, hoạt động bán tháo của giới đầu tư trong bối cảnh hiện nay không được khuyến khích. Giới phân tích đang kêu gọi các nhà đầu tư cần phải giữ được bình tĩnh và tỉnh táo trong các quyết định của mình.

Theo VCBS, nhà đầu tư nên tiếp tục giữ trạng thái danh mục cổ phiếu và chỉ ưu tiên chốt lãi/cắt lỗ các cổ phiếu đã chạm giá kỳ vọng, đồng thời không cần thiết phải bán tháo hoảng loạn tại vùng giá như hiện tại.

Xuất hiện trên báo chí, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (TTCKNN) Trần Văn Dũng đánh giá, sự điều chỉnh mạnh của thị trường gần đây là khó tránh khỏi bởi trùng với “điểm rơi của nhiều tin xấu hội tụ”.

Theo ông Dũng, thị trường chứng khoán được ví là hàn thử biểu của nền kinh tế, nên khi có nhiều thông tin bất lợi tới nền kinh tế toàn cầu hay có sự cố bất thường (ở đây là dịch bệnh) thì sẽ phản ứng ngay tức thì.

Lãnh đạo UBCKNN cho biết, trước những ảnh hưởng tiêu cực hiện hữu của dịch Covid-19, UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành theo quan điểm “tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”.

UBCKNN và các đơn vị sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến của thị trường để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch cho thị trường, trấn an tâm lý nhà đầu tư; xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi do dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.

Ông Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết.

Mai Chi