1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cỗ xe giá cả chạy song song với tăng trưởng kinh tế

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đã tăng 6,8%, vượt 0,3% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm đã gây áp lực đối với việc kiềm chế giá 3 tháng cuối năm. Ông Nguyễn Tiến Thoả - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, dự báo chỉ số giá cả năm tăng tương đương tốc độ tăng trưởng kinh tế - khoảng 8%.

Thưa ông, chỉ số CPI năm nay đã vượt mức Quốc hội cho phép, trong khi 3 tháng cuối năm lại tiềm ẩn khá nhiều biến động khó lường về giá cả. Ông đánh giá như thế nào về những biến động về giá này trong 3 tháng tới?

 

Ba tháng tới, giá cả thị trường sẽ bị tác động bởi nhiều nhân tố. Thứ nhất về khách quan, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục có những biến động khó lường, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng nguyên nhiên vật liệu sẽ vẫn ở mức cao và có khả năng vận động theo hướng tăng vững. Nhiều dự báo cho rằng, khả năng giá dầu sẽ lên tới 80 USD/thùng có thể xảy ra, như vậy sẽ tác động trực tiếp đến giá cả trong nước.

 

Thứ hai, những yếu tố bất ổn của thiên tai, dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp mà chúng ta chưa lường trước được luôn là những yếu tố thường trực ảnh hưởng đến sự vận động của giá cả.

 

Mặt khác, 3 tháng còn lại của năm khối lượng tiền sẽ được bơm ra lưu thông nhiều hơn, trong đó phải giải ngân cho các công trình đầu tư xây dựng cơ bản khá lớn, riêng kinh phí trả lương do áp dụng lương tăng từ tháng 10 sẽ thêm tới 4.080 tỷ đồng, điều này sẽ gây áp lực mạnh đến mặt bằng giá. Ðó là chưa kể các ngân hàng thương mại sẽ tăng lãi suất cho vay làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

 

Từ việc tính toán tác động của những yếu tố trên và xem xét quy luật vận động của giá cả thị trường những năm qua giá sẽ tăng mạnh vào quý IV hàng năm, chúng tôi dự báo tháng 10 chỉ số giá sẽ tăng 0,5%, 2 tháng còn lại sẽ tăng dưới 1,0% đến 1,0%. Như vậy, chỉ số giá cả năm sẽ tăng vào khoảng trên 8,0%.

 

Nếu CPI tăng ở mức dự báo này - tức là ngang bằng với tăng trưởng GDP thì đây vẫn được đánh giá là mức tăng “đẹp” cho nền kinh tế năm nay. Tuy nhiên, thực hiện được mức tăng này là một thách thức đòi hỏi cần có các giải pháp quyết liệt?

 

Ðúng vậy, để có thể phấn đấu giữ chỉ số giá tương đương tốc độ tăng trưởng đòi hỏi các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phải tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện một cách quyết liệt Chỉ thị số 28/2005/CT-TTg ngày 3/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp bình ổn giá trong những tháng cuối năm.

 

Thời gian qua chúng ta đã điều hành giá cả theo hướng thị trường. Vậy theo ông, chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm nào trong quá trình đổi mới, điều hành giá?

 

Chúng tôi cho rằng, có nhiều bài học có thể rút ra trong công tác đổi mới cơ chế quản lý, điều hành giá cả trong suốt giai đoạn 2001 - 2005 để áp dụng trong thời kỳ tới đây. Trong đó nổi lên các vấn đề sau: Chúng ta vẫn phải kiên trì cơ chế giá thị trường định hướng XHCN. Nhà nước thực hiện việc can thiệp vào sự hình thành và vận động của giá cả bằng các biện pháp gián tiếp là chủ yếu.

 

Trên cơ sở đó để xây dựng môi trường pháp lý, điều hành mặt bằng giá vận động theo những quy luật kinh tế khách quan vốn có của nó là quy luật giá trị, cung cầu, cạnh tranh; xoá bỏ những can thiệp mang tính mệnh lệnh hành chính nhất thời không được luật hoá.

 

Mặt khác, việc thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng rộng hơn, sâu hơn nên đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của công tác phân tích diễn biến, dự báo cung cầu, giá cả thị trường thế giới để có những chính sách thích hợp và chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp bình ổn giá. Ðồng thời phải có những bước đi cụ thể để hệ thống giá của nước ta tiếp cận với giá thế giới.

 

Một vấn đề nữa là trong điều hành giá phải áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp tạo tác động tích cực đến mặt bằng giá như giữ vững các cân đối vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, điều hành chính sách tài chính - tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, hiệu quả...

 

Quan trọng là trong trường hợp mặt bằng giá trong nước biến động tăng cao thì phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, có những biện pháp làm giảm áp lực tăng chi phí, giảm thiểu tác động của giá đầu vào, kiềm chế giá đầu ra tăng lên đồng thời thực hiện chủ trương chia sẻ khó khăn giữa các thành tố tham gia thị trường.

 

Ngược lại, trong trường hợp mặt bằng giá trong nước giảm thấp không hợp lý, gây ra tình trạng thiểu phát lại cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kích cầu như khuyến khích đầu tư, tăng chi ngân sách, mở rộng tín dụng, tăng tiêu dùng của Chính phủ...

 

Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh là tất cả các giải pháp trên phải được tính toán với mức độ và liều lượng hợp lý.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo KT & ĐT