Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và dấu ấn với nền kinh tế trong thời kỳ đổi mới

(Dân trí) - Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười được nhắc đến là người có vai trò quan trọng với nền kinh tế trong thời kỳ đổi mới, khi Việt Nam mở cửa thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Đỗ Mười là người đã có những đóng góp đáng kể, tạo bước bứt phá cho nền kinh tế của đất nước.
Ông Đỗ Mười là người đã có những đóng góp đáng kể, tạo bước bứt phá cho nền kinh tế của đất nước.

Không chỉ là người "đứng mũi chịu sào" trong cuộc chiến chống lạm phát phi mã, ông Đỗ Mười cũng chính là người thực hiện công cuộc cải cách mà Đại hội VI đưa ra là: Thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, bỏ “tem phiếu”, tự do hóa thương mại… Đây đều là những đóng góp đáng kể, tạo bước bứt phá cho nền kinh tế của đất nước tại thời điểm đó và cả sau này.

Dấu ấn trong ngành dầu khí, xây dựng

Trong cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” của NXB Chính trị quốc gia - Sự thật (2012) bài viết về những đóng góp của cố Tổng Bí thư với ngành dầu khí, ông Ngô Thường San - Nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cho biết, ông Đỗ Mười rất quan tâm đến sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí toàn diện, hoàn chỉnh và bền vững.

Ông San cho biết, ông kiên định đường lối hợp tác với Liên Xô (sau là với Cộng hoà Liên bang Nga) để xây dựng ngành dầu khí về cơ sở kỹ thuật và đội ngũ kỹ thuật, chuyên gia, tin tưởng ở trình độ khoa học dầu khí của Nga. Ông Đỗ Mười cũng được nhắc đến là người rất tình cảm và tế nhị, được các chuyên gia Liên Xô mến phục không chỉ vì ông là nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam mà vì tình cảm rất con người của ông. Nhưng ông cũng rất nguyên tắc và kiên định trong bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trong Liên doanh.

Ông đã yêu cầu tổ đàm phán về sửa đổi Hiệp định liên doanh tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí Vietsovpetro, kiên trì thuyết phục phía bạn về các điều khoản kinh tế. Những chỉ đạo rất nguyên tắc và kiên định của ông đã mang lại thành công và Hiệp định sửa đổi của Liên doanh dầu khí Việt - Xô năm 1990 là cơ sở hoạt động có hiệu quả của Liên doanh dầu khí trong gần 20 năm qua, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ông cũng rất quan tâm đến "giá trị dây chuyền" của công nghiệp khí và sự đóng góp của ngành trong việc tạo sự phát triển ổn định kinh tế đất nước. Khi còn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Đỗ Mười rất quan tâm và yêu cầu Chính phủ ủng hộ để ngành dầu khí tự vay vốn, tự đầu tư xây dựng khu Khí - Điện - Đạm Phú Mỹ và Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Đây là nền tảng ban đầu của sự phát triển toàn diện và hoàn chỉnh của ngành dầu khí như một tập đoàn kinh tế nhà nước.

Còn trong trí nhớ của ông Đồng Sỹ Nguyên - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Đỗ Mười là Bộ trưởng đầu tiên đã đặt nền móng rất cơ bản cho ngành xây dựng ở chặng đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Ông đã có chủ trương rất đúng đắn: Muốn xây dựng được cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng cho chủ nghĩa xã hội, trước hết phải xây dựng ngành xây dựng ở Trung ương và cả địa phương để từng bước vững mạnh theo hướng công nghiệp tổng hợp chuyên sâu đồng bộ.

Trên cơ sở đó, ngành xây dựng đã bắt tay xây dựng hàng loạt các công trình công nghiệp, dịch vụ, dân dụng văn hóa - xã hội có tầm cỡ như các nhà máy: nhiệt điện Phả Lại, Ninh Bình; thủy điện Hòa Bình, dầu khí Vũng Tàu; Apatít Lào Cai; tuyển than Quảng Ninh; các nhà máy xi măng: Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Kiên Lương; kính Đáp Cầu; các nhà máy bê tông đúc sẵn tấm lớn; hàng loạt nhà máy gạch có công suất lớn; giấy Bãi Bằng, giấy Tân Mai; dệt may; chế biến nông, lâm thủy sản; chế biến thức ăn gia súc; cơ khí sữa chữa... Về dân dụng, bắt đầu xây dựng các khu chung cư cao tầng: Giảng Võ, Trung Tự và nhiều trường học, bệnh viện, bảo tàng, nhà văn hoá...

Quyết định "táo bạo" trong thời siêu lạm phát

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống lạm phát, vai trò của ông Đỗ Mười được rất nhiều chuyên gia, nguyên lãnh đạo trong giai đoạn đó nhắc đến.

Trong bài viết đăng trong cuốn sách về cố Tổng Bí thư, ông Vũ Trọng Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội thương cho hay, quãng năm 1986, lãnh đạo Bộ Nội thương bàn "nát nước" mà vẫn chưa thấy có cách gì kéo được chỉ số giá đang tăng từ 20% một tháng xuống khoảng 10%. Mặc dù hết sức cố gắng với sự chung sức phấn đấu của các ngành, các cấp, nhưng kết quả chưa được nhiều, so với mục tiêu cấp trên đề ra thì còn xa vời. Tình hình năm 1987 cũng chưa sáng sủa lắm.

Giữa năm 1988, ông Đỗ Mười xuống trực tiếp làm việc với Bộ Nội thương. Ông nói: "Tiền và hàng mất cân đối nghiêm trọng như thế này thì các anh có cách gì chặn đứng được tốc độ tăng giá và tốc độ lạm phát đang tăng vùn vụt như phi mã, phải làm thế nào để đồng tiền không bị mất giá, hàng hóa phải được trao đổi ngang giá. Cứ để lạm phát như hiện nay thì lòng dân không thể yên, chính trị - xã hội cũng khó ổn định".

Ông Nam kể, ông Đỗ Mười cũng là người chỉ đạo phải có giải pháp kích thích nông nghiệp và công nghiệp tăng nhanh sản lượng hàng hóa, đồng thời mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch, khuyến khích mạnh việc nhập hàng phi mậu dịch. Lâu nay có chuyện cấm đoán hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc người Việt Nam ở nước ngoài đưa hàng về. Việc làm đó là không đúng. Hãy để cho du học sinh, cán bộ và người lao động cũng như bà con Việt kiều thoải mái đưa hàng tiêu dùng và nguyên liệu về, và gửi quà biếu về cho thân nhân ở trong nước. Các cơ quan nhà nước không đánh thuế, Nhà nước không thu mua, mậu dịch quốc doanh mua thì mua theo giá thị trường với sự thỏa thuận của người bán.

Ông Mười chỉ đạo, các bộ phải yêu cầu tất cả các cửa hàng mậu dịch đưa hàng tiêu dùng niêm yết giá bán mới sát giá thị trường ở từng địa phương. Sau khi đưa giá hàng tiêu dùng về một giá để chống được nạn đầu cơ, tích trữ, dần dần bỏ tem phiếu và sổ gạo.

Một quyết sách hết sức quan trọng tại thời điểm đó của ông Đỗ Mười được nguyên Thứ trưởng Bộ Nội thương nhắc lại là làm thế nào rút bớt được tiền về. Theo đó, ông Đỗ Mười đã báo cáo với Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Chính trị: Dân gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất 3% trong khi giá hàng trên thị trường tăng 9%, là không hợp lý vì họ gửi tiền vào đầu tháng đến cuối tháng tiền đã mất giá nên chẳng mấy ai gửi tiền vào ngân hàng.

"Tôi yêu cầu ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi lên 12% một tháng rồi rút dần xuống. Theo hướng này chắc chắn ngân hàng thu tiền về rất nhiều, không phải in thêm tiền nữa. Tiền được thu bớt về, hàng có nhiều để tung ra, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu kéo giá thị trường xuống, ngân hàng có điều kiện thực hiện vay và cho vay, tài chính không phải bội chi, đồng thời lực lượng sản xuất được giải phóng, kinh tế hàng hóa sẽ nhanh chóng phát triển", chỉ đạo của ông Đỗ Mười được ông San viết lại.

Gọi quyết định chống lạm phát của ông Đỗ Mười thời điểm đó là "vô tiền khoáng hậu", GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư chia sẻ: "Mỗi quốc gia thường có giai đoạn khủng hoảng, suy thoái, đôi khi gặp các biến cố bất thường. Những lúc đó cần có quyết sách đúng của lãnh đạo cấp cao mới có thể vượt qua thách thức, tạo nên trạng thải phát triển tốt hơn. Anh là nhà lãnh đạo có những quyết sách đó".

Theo GS Nguyễn Mại, tưởng như lãi suất tiền gửi 13%/tháng là quá cao, nhưng thực tế đã tiết kiệm được 3% cho ngân sách nhà nước do không phải trả phí in thêm tiền ở nước ngoài; hơn thế nữa do hấp dẫn người dân nên tiền gửi tiết kiệm tăng lên rất nhanh, làm cho cơn sốt giá cả được giảm dần.

"Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng áp dụng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 13%/thàng là vô tiền khoáng hậu. Nếu không có quyết định táo bạo, sáng suốt đó thì không biết tình trạng lạm phát còn kéo dài bao lâu nữa. Đây là phẩm chất đáng quý của người đứng đầu Chính phủ. Đó chỉ là một ví dụ điển hình của Nhà lãnh đạo Đỗ Mười trong suốt cả cuộc đời cống hiến cho dân tộc Việt Nam", ông Mại nhận định.

Phương Dung

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và dấu ấn với nền kinh tế trong thời kỳ đổi mới - 2