1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Có tiền cũng không mua được cát xây dựng ở Quảng Nam, Đà Nẵng

Công Bính Hoài Sơn
Đà nẵng

(Dân trí) - Các mỏ cát tại tỉnh Quảng Nam dừng khai thác. Giá cát tăng rất cao. Không ít nhà thầu trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng "khóc như mưa" vì dù có tiền cũng không thể mua được cát để xây dựng.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nguồn cung khan hiếm khiến giá cát ở TP Đà Nẵng tăng cao. Không ít doanh nghiệp kinh doanh vật liệu và chủ thầu xây dựng như "ngồi trên đống lửa".

Cát tăng giá ngất ngưởng vẫn khó để mua

Theo ghi nhận của Dân trí, tại khu vực phía nam khu dân cư Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), có một số bãi tập kết cát lớn nhập trực tiếp từ các mỏ cát xây dựng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Có tiền cũng không mua được cát xây dựng ở Quảng Nam, Đà Nẵng - 1

Một bãi cát thuộc huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) còn vài chục khối cát và đang hoạt động cầm chừng (Ảnh: Hoài Sơn).

Tuy nhiên, hiện tại, các bãi vẫn hoạt động cầm chừng. Một số bãi chỉ còn vài chục mét khối cát. Chủ bãi cát phải trực tiếp lái xe xúc cát lên xe ben vì không có người làm.

Anh Trần Phú (35 tuổi) - chủ bãi cát tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) cho hay, hiện là mùa xây dựng nhưng nguồn cung cát lại thiếu hụt.

Các cơ sở gần đây đều lấy cát từ những mỏ cát ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), riêng bãi của anh Phú có sức chứa 6.000-7.000m3. Đến nay, bãi của anh chỉ còn khoảng vài chục khối cát trữ từ năm 2022 và được nhập thêm cách đây 5 ngày.

Có tiền cũng không mua được cát xây dựng ở Quảng Nam, Đà Nẵng - 2

Chủ bãi cát phải trực tiếp lái xe xúc đưa cát lên xe vì không có người làm (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo anh Phú, trước Tết, giá cát dao động 250.000-300.000 đồng/m3 còn hiện đã tăng lên 350.000-380.000 đồng/m3 nhưng anh chỉ bán cho các khách hàng "ruột". "Giá ở chỗ tôi chỉ dám tăng lên chừng đó, giờ tăng cao nữa thì khách hàng sẽ không có. Nếu bán giảm nữa thì sẽ bị lỗ chi phí vận chuyển, nhân công và tiền bãi", anh Phú than thở.

Anh Phú cho biết thêm, hiện các mỏ cát ở Quảng Nam tạm dừng, xe không có hàng để chạy. Dự báo giá cát còn tăng, nếu tình hình này tiếp diễn trong thời gian dài, các đại lý cát sẽ bỏ bãi.

Có tiền cũng không mua được cát xây dựng ở Quảng Nam, Đà Nẵng - 3

Giá cát dao động từ 350.000 - 380.000 đồng/m3 nhưng chỉ bán cho các khách hàng "ruột" (Ảnh: Hoài Sơn).

Tại bãi cát xây dựng bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Hòa Quý), giá bán là 340.000 đồng/m3, nhưng chủ từ chối bán hàng với các chủ công trình vì không xuất được hóa đơn.

Còn trên các trang bán vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng, giá cát dao động 360.000-400.000 đồng/m3. Có nhiều trang đã còn để trạng thái hết hàng. Một cơ sở bán cát uy tín trên trang bán vật liệu xây dựng thì được báo đã "cháy hàng" khi chúng tôi đặt vấn đề mua cát để xây nhà. 

Khi đặt vấn đề muốn mua gấp thì giá sẽ bao nhiêu, chủ cơ sở này cho biết muốn mua gấp thì giá là 450.000 đồng/m3 và vẫn không có cát để bán.

Theo một số nhà thầu xây dựng, với tình trạng như hiện nay, những chủ thầu công trình lớn như "ngồi trên đống lửa" bởi tiến độ điều chỉnh vốn đầu tư không kịp với tiến độ tăng giá vật liệu xây dựng.

Có tiền cũng không mua được cát xây dựng ở Quảng Nam, Đà Nẵng - 4

Một bãi tập kết cát ở xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) đã gần hết cát để bán (Ảnh: Hoài Sơn).

Anh Phan Đình Tú - chủ thầu xây dựng công trình nhà ở trên đường Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - cho hay, hiện nay ở công trình anh đang làm chưa xảy ra tình trạng thiếu cát xây dựng nhưng giá tăng khiến việc cân bằng chi phí vật liệu gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cát xây dựng phục vụ cho thị trường Đà Nẵng đều từ tỉnh Quảng Nam chở ra. Huyện Đại Lộc và Duy Xuyên là nơi có các mỏ cát chính để cung cấp cho Đà Nẵng. 

Vì sao cát tăng giá, khan hàng?

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Thế Đức - Phó chủ tịch huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - cho hay hiện trên địa bàn huyện chỉ còn một mỏ cát hoạt động, nhưng từ sau Tết đến nay mỏ này đang tạm dừng. Về nguyên nhân mỏ cát tạm dừng, ông Đức nói không rõ vì sao.

Theo ông Đức, hiện nay giá cát xây dựng trên địa bàn huyện Duy Xuyên khi vận chuyển tới nhà dân đã có giá tối thiểu 450.000 đồng/m3, còn có chỗ giá cao hơn nhưng vẫn không có cát để bán.

Cát không có cho người dân xây dựng nhà cửa, cát để phục vụ cho các công trình đầu tư công cũng thiếu đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các công trình này. Từ đó, số lượng người lao động không có việc làm cũng tăng lên.

Có tiền cũng không mua được cát xây dựng ở Quảng Nam, Đà Nẵng - 5

Hàng loạt mỏ cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tạm dừng hoạt động (Ảnh: Công Bính).

Tại huyện Đại Lộc, địa phương có số lượng mỏ cát được cấp phép nhiều nhất tỉnh Quảng Nam, trước Tết, hoạt động khai thác cát xây dựng diễn ra khá sôi động, tuy nhiên từ sau Tết, nhiều mỏ cát thông báo tạm dừng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó chủ tịch huyện Đại Lộc - cho hay hiện trên địa bàn huyện có 3 mỏ cát xây dựng đang hoạt động.

Trước Tết Nguyên đán, các mỏ hoạt động ổn định. Sau Tết, huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp phải rà soát lại hết các điều kiện hoạt động, từ trạm cân, bến bãi, camera, môi trường, điều kiện khai thác trước khi trở lại hoạt động.

Theo ông Khương, qua kiểm tra, các mỏ cơ bản thực hiện đúng theo yêu cầu. Vài ngày tới, các doanh nghiệp khai thác cát sẽ trở lại hoạt động. Trước khi trở lại khai thác, huyện Đại Lộc sẽ gửi công văn cho các ngành, các xã và doanh nghiệp để công khai giá, phải đảm bảo không xảy ra tình trạng thổi giá cao.

Trả lời câu hỏi của phóng viên có hay không các chủ mỏ cát tạm dừng hoạt động để thổi giá, Phó chủ tịch huyện Đại Lộc cho hay việc này huyện không nắm được.

Theo ông Khương, hiện nay, các mỏ đang tập trung quá nhiều tại huyện Đại Lộc, khi xảy ra vấn đề đã ảnh hưởng đến nhu cầu xây dựng cả tỉnh Quảng Nam và cả Đà Nẵng. Do đó, trong thời gian tới, huyện sẽ kiến nghị tỉnh Quảng Nam nên có chủ trương rà soát quy hoạch bổ sung, đưa các mỏ cát tại các huyện khác vào khai thác, đấu giá để phân bố đều, không tập trung vào một địa phương, tránh gây tắc nghẽn việc cung cấp vật liệu khi xảy ra sự cố.

Trước thực trạng khan hiếm cát xây dựng trên địa bàn, ngày 20/2, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi các địa phương có mỏ cát.

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, các doanh nghiệp có giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động với nhiều lý do dẫn đến thiếu hụt nguồn vật liệu cát, sỏi phục vụ cho các công trình, nhà ở và giá cát tăng đột biến, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và chi phí đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh.

Do đó, để có nguồn vật liệu cát, sỏi cung cấp cho các công trình và ổn định nhu cầu sử dụng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, Sở đề nghị các địa phương nêu trên đôn đốc các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi có mỏ còn hiệu lực trên địa bàn đưa mỏ vào hoạt động khai thác; trường hợp các mỏ không đưa vào hoạt động khai thác phải có lý do chính đáng và có văn bản gửi về Sở trước ngày 27/2 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.

Ngày 20/2, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng đã có công văn gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quy hoạch và quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, ông Thanh yêu cầu các địa phương trong tỉnh khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng dự án để đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 39 điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Đây là những mỏ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương và UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án đầu tư khai thác khoáng sản, giao cho các địa phương tổ chức đấu giá.

Trong hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản, phải nêu đầy đủ các nội dung yêu cầu để tổ chức lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện, tuân thủ đúng quy định trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản; hướng dẫn đơn vị trúng đấu giá lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định.

Ngoài ra, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã và các Phòng chức năng thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn mình quản lý.