Có thể phát mại tài sản để xử lý nhanh nợ xấu

(Dân trí) - Theo quan điểm của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, từ 1/6/2014 sẽ áp dụng triệt để Thông tư 02, với yêu cầu các ngân hàng thương mại phân loại rõ các nhóm nợ xấu. Với nhóm khách hàng đã phá sản nhưng có tài sản bảo đảm thì thực hiện phát mại.

Tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012
Tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013 là 105,9 nghìn tỷ đồng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Trao đổi với báo chí trong cuộc họp chiều 16/12, ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Trong năm 2013, NHNN đã triển khai 2 giải pháp xử lý nợ xấu, đó là tăng trích lập dự phòng và bán nợ cho VAMC.

Trong năm 2014, NHNN có thể sẽ thực hiện thêm các giải pháp khác và có thể chỉ đạo các ngân hàng thương mại phân loại nợ xấu làm các nhóm như nhóm nợ xấu không thể thu hồi, nhóm nợ xấu do khách hàng còn khó khăn, nhóm nợ xấu có tài sản bảo đảm để có giải pháp giảm nợ xấu phù hợp theo từng nhóm.

Về triển khai thực hiện Thông tư 02, theo ông Đặng Văn Thảo, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn ảnh hướng không tốt tới hoạt động ngân hàng nên NHNN đã hoãn việc triển khai thực hiện theo thông tư này. “Thông tư 02 đã có vai trò lịch sử khi được hoãn thực hiện trong 1 năm, nhưng không thể hoãn lâu thêm được. Do đó, quan điểm của Cơ quan Thanh tra giám sát đến 1/6/2014 là áp dụng triệt để Thông tư 02”, ông Thảo nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho việc thực hiện “triệt để” Thông tư 02, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát nợ xấu để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là tính toán những khoản nợ xấu sẽ tăng lên như thế nào, cơ sở để trích lập dự phòng… Bởi theo dự tính, khi áp cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng mới này, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ tăng lên.

Nói rõ hơn về việc phân loại nợ sẽ được thực hiện trong năm 2014, ông Thảo cho biết, nợ có thể được phân loại thành 3 nhóm. Trong đó, nhóm khách hàng đã giải thể, phá sản, không còn tài sản gì thì phải sử dụng tài sản dự phòng trả nợ; nhóm khách hàng đang hoạt động gặp khó khăn thì thực hiện giải pháp cơ cấu lại nợ (cho vay thêm, giãn nợ, giảm lãi…); với khách hàng có tài sản bảo đảm có thể áp dụng giải pháp phát mại tài sản bảo đảm.

Với nhóm giải pháp này, để thực hiện phát mại tài sản, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho rằng, có thể mở lại cơ chế cho phép các tổ chức tín dụng lập các trung tâm đấu giá để có thể xử lý nhanh hơn.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tính đến ngày 16/12/2013, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua được gần 28.170 tỷ đồng dư nợ gốc, 22.863 tỷ đồng giá mua của 26 tổ chức tín dụng. Theo đó, dự kiến đến cuối năm 2013,VAMC mua được khoảng 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Cũng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn tích cực trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu và đã chủ động xử lý một khối lượng lớn nợ xấu bằng nguồn dự phòng. Cụ thể, tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013 là 105,9 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, các TCTD tích cực giảm lãi suất cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện thị trường và hoàn cảnh của khách hàng vay. Đến cuối tháng 10/2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 là 316,8 nghìn tỷ đồng. “Điều này góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, đồng thời giảm bớt gánh nặng trả lãi phạt do nợ quá hạn”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước