1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nợ xấu và nợ cơ cấu lại của các "ông lớn" nhà nước trên 73.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Theo TS Đinh Tuấn Minh, các hình thức hỗ trợ từ NSNN như khoanh nợ (chẳng hạn cho Vinashin tại các NHTM), chuyển nợ (như của Vinashin cho Vinalines và PVN) có thể khiến các DNNN khác lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai Nhà nước.

Tính đến cuối 2012, nợ xấu của DNNN chiếm 11,82% tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng

Tính đến cuối 2012, nợ xấu của DNNN chiếm 11,82% tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 do Ủy ban Kinh tế vừa mới phát hành với nhan đề “Thách thức còn ở phía trước”, TS Đinh Tuấn Minh cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có thể bị coi như là nguyên nhân gây ra nợ xấu và những mất cân đối lớn về cơ cấu kinh tế hiện nay.

TS Minh dẫn báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp hồi đầu năm cho hay, trong năm 2012, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có tổng nợ phải trả lên tới 1,33 triệu tỷ đồng và hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần, cao hơn mức 1,77 lần năm 2011.


Theo Đề án tái cơ cấu khu vực DNNN: “Có đến 30/85 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên 3 lần. Đặc biệt, có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ trên 10 lần (như TCT Xây dựng công nghiệp; Tổng công ty Xây dựng CTGT 1; Tổng công ty Xây dựng CTGT 5; Tổng công ty Xây dựng CTGT 8; Tổng công ty Xăng dầu quân đội; Tổng công ty Thành An; Tổng công ty Phát triển đường cao tốc).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 


Tính đến tháng 9/2011 dư nợ vay ngân hàng của các DNNN lớn đạt trên 415.000 tỷ đồng, tương đương gần 17% tổng dự nợ tín dụng tại các ngân hàng (Còn số liệu cập nhật cho năm 2012 từ báo cáo của UBGSTCQG lại cho thấy, khu vực DNNN chiếm 18% tổng dư nợ toàn hệ thống, tương đương 494.000 tỷ đồng).

Trong đó, nợ vay của 12 tập đoàn kinh tế nhà nước lên tới gần 218.740 tỷ đồng. Trong đó dư nợ lớn nhất thuộc về Tập đoàn Dầu khí (PVN) với 72.300 tỷ, Điện lực (EVN) với 62.800 tỷ đồng, Than và khoáng sản (Vinacomin) với 19.600 tỷ đồng.

Cũng theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến cuối 2012, nợ xấu của DNNN chiếm 11,82% tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và 5,05% dư nợ đối với DNNN.

Từ những số liệu này, TS Minh cho rằng, số nợ xấu của khu vực DNNN có thể ước tính là 24.950 tỷ đồng.

Tuy nhiên, UBGSTCQG cũng lưu ý, tỷ lệ nợ xấu này chưa bao gồm nợ xấu của Vinashin tại các tổ chức tín dụng trong nước (ước tính khoảng 19.800 tỷ đồng năm 2010) và nợ đã được cơ cấu lại theo Quyết định 780 của NHNN (ước chiếm khoảng 10% tổng dư nợ năm 2012).

Theo tính toán này, nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực DNNN năm 2012, bao gồm cả nợ được cơ cấu lại cho Vinashin, sẽ vào khoảng 44.750 tỷ đồng.

Nếu như phần khu vực DNNN còn lại (không kể Vinashin) chiếm 15%27 phần nợ đã được các tổ chức tín dụng cho cơ cấu lại (ước khoảng 28.300 tỷ đồng) thì tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực DNNN sẽ vào khoảng 73.050 tỷ đồng.

Nhiều khoản nợ lớn của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh.

Nhiều khoản nợ lớn của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh.

Xử lý nợ xấu DNNN: Bài toán nan giải cho Việt Nam!

Một đặc điểm về nợ xấu của khu vực DNNN cần lưu ý, theo TS Đinh Tuấn Minh đó là, khu vực này được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển (VDB) và tỷ lệ nợ xấu ở VDB cũng rất lớn.

Theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước về tình hình hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính thì tỷ lệ nợ xấu của VDB ở mức 12,05% vào cuối 2010.

Với tình hình nợ xấu chung của toàn hệ thống năm 2011 cao hơn năm 2010 và năm 2012 lại cao hơn 2011, TS Minh cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của VDB hiện tại có thể cao hơn rất nhiều con số trên. Bởi nợ xấu tại VDB được tính riêng, ngoài số nợ xấu tại hệ thống các tổ chức tín dụng, nên nếu tính gộp cả nợ tại VDB thì con số nợ xấu và nợ phải cơ cấu lại tại khu vực DNNN sẽ còn lớn hơn các con số ước tính ở trên.

Ông cũng nhấn mạnh, nợ xấu tại khu vực DNNN rất khó giải quyết. Khác với các DN tư nhân, có thể dễ dàng bán tài sản hoặc nhượng cổ phần cho các doanh nghiệp khác để có tiền trả nợ ngân hàng nhằm tránh phá sản, các DNNN rất khó có thể bán tài sản hoặc cổ phần nhà nước theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy giảm.

Vì vậy, các khoản nợ mà các DNNN vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn...

TS Minh đánh giá, các hình thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ khoanh nợ (chẳng hạn như việc khoanh nợ cho Vinashin tại các NHTM), hình thức chuyển nợ (như của Vinashin cho Vinalines và PVN) có thể khiến các DNNN khác lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai Nhà nước.

Trong khi đó, hình thức bổ sung vốn (như tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỷ lên 14.655 tỷ đồng) thì vẫn là tiền từ ngân sách nhà nước.

Ông dẫn chứng đến khoản vay 45 triệu USD từ ngân hàng ANZ cho dự án Xi măng Đồng Bành do Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) hay Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) đầu tư cũng được Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh khi dự án này rơi vào tình trạng thua lỗ không trả được nợ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức cao 54,9% GDP cuối năm 2011, và thâm hụt ngân sách trong năm 2012 tăng trở lại mức 4,8% GDP từ mức 4,4% GDP năm 2011, thì khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước để giảm nợ của khu vực DNNN sẽ vô cùng khó khăn. Điều này hàm ý rằng việc giải quyết nợ xấu của khu vực DNNN sẽ thực sự là một bài toán nan giải đối với Việt Nam.

 Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm