Sếp DNNN sẽ phải bỏ "tiền túi" ra bù nợ xấu

(Dân trí) - Theo Nghị định 206, trong trường hợp không xử lý kịp thời các khoản nợ xấu, dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại doanh nghiệp thì lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải đền bù thiệt hại bằng tài sản cá nhân, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.

Vinashin và Vinalines được xem là những ví dụ điển hình về tình hình nợ nần của DNNN.
Vinashin và Vinalines được xem là những ví dụ điển hình về tình hình nợ nần của DNNN.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 206 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ 1/2/2014. Nguyên tắc đặt ra là các doanh nghiệp phải xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân (bao gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, cá nhân khác có liên quan) trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
 
 

 

Đối với các khoản nợ khó đòi hoặc không có khả năng trả nợ, trước hết, doanh nghiệp phải thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và tự tìm mọi biện pháp xử lý thu hồi, chia sẻ khó khăn giữa chủ nợ, khách nợ bằng các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, mua bán nợ. Trường hợp vượt quá khả năng và thẩm quyền xử lý mới báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp hỗ trợ giải quyết.

 

Nghị định cũng nhấn mạnh về nguyên tắc "nợ doanh nghiệp tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm". Các giải pháp xử lý phải được thực hiện đồng bộ trên cơ sở tổ chức sắp xếp, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp để có nguồn trả nợ nhằm lạnh mạnh hóa và ổn định lâu dài tình hình tài chính doanh nghiệp.

 

Định kỳ 6 tháng và kết thúc năm tài chính, cùng với việc lập và nộp báo cáo tài chính, báo cáo giám sát, doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm báo cáo chủ sở hữu về tình hình quản lý và thu hồi nợ, xử lý nợ tồn đọng, khả năng và tình hình thanh toán nợ.

 

Gắn trách nhiệm với cá nhân

 

Nghị định nêu rõ, trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc doanh nghiệp là phải xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được.

 

Trong trường hợp không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định, để chủ sở hữu có văn bản nhắc trên 1 lần thì căn cứ vào hậu quả, Hội đồng thành viên, Chủ tịch, Tổng giám đốc sẽ bị kỷ luật.

 

Nếu không xử lý kịp thời và còn dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại doanh nghiệp thì các lãnh đạo này sẽ phải đền bù thiệt hại bằng tài sản cá nhận, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.

 

Theo Nghị định, nợ phải thu không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp phải xác định rõ nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Đối với nguyên nhân chủ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan.

 

Nhưng nếu là nguyên nhân khách quan thì Hội đồng thành viên, Ban điều hành và các phòng ban liên quan xác định rõ nguyên nhân và có văn bản xác nhận. Nếu xác định các khoản nợ này có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi; và nếu còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Trong trường hợp doanh nghiệp chưa ban hành Quy chế quản lý nợ thì coi như Hội đồng thành viên, Ban điều hành doanh nghiệp chưa hoàn thành nhiệm vụ; Hội đồng thành viên, Chủ tịch, Ban Điều hành không được trích quỹ thưởng và chỉ được hưởng 80% tiền lương hàng tháng.

 

Với việc để cơ quan có thẩm quyền đôn đốc bằng văn bản hơn 1 lần mà doanh nghiệp vẫn chưa ban hành Quy chế quản lý nợ thì Hội đồng thành viên, Chủ tịch, tổng giám đốc sẽ bị miễn nhiệm như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp.

 

Được bán nợ xấu giá thỏa thuận


Về bán nợ, doanh nghiệp được quyền bán các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn trên nguyên tắc trích lập dự phòng đầy đủ. Tuy nhiên, nợ chỉ được bán cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ.

 

Trên cơ sở tham khảo giá của tổ chức định giá, giá thị trường, các bên thỏa thuận giá bán và tự chịu trách nhiệm về quyết định bán khoán nợ phải thu.

 

Đáng chú ý là Nghị định nêu rõ, trong trường hợp bán nợ dẫn tới doanh nghiệp bị lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị giải thể, phá sản thì Hội đồng Thành viên, Chủ tịch, Tổng giám đốc và người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh khoản nợ khó đòi đó phải bồi thường và bị xử lý.

 

Để khoản nợ được bán giá thấp hơn giá trị sổ sách thì cần phải được chủ sở hữu quyết định, dựa trên báo cáo của doanh nghiệp cũng như căn cứ theo quy mô, ngành nghề kinh doanh, tính chất, giá trị của các khoản nợ của doanh nghiệp.

 

Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ gửi đến Quốc hội cho thấy, 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con có tổng số nợ phải trả lên tới 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.

Khối này có tổng số nợ phải thu năm 2012 là 275.975 tỷ đồng, trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.490 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm trước và chiếm 4,89% tổng số nợ phải thu.

Đến thời điểm 31/12/2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Sang 2012, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,46 lần. 

Các tập đoàn, tổng công ty cũng đang nợ nước ngoài 315.851 tỷ đồng, vay ngắn hạn là 70.659 tỷ, dài hạn là 245.192 tỷ. Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ là 54,574 tỷ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 150.681 tỷ, còn lại các doanh nghiệp tự vay, tự trả.

 

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước