Có thể giải ngân 21.500 tỷ đồng mỗi tháng

(Dân trí) - 5 tháng đầu năm mới giải ngân được 18.500 tỷ đồng, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng có thể giải ngân gần 21.500 tỷ đồng.

Giải trình một số nội dung liên quan đã được các đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Trái phiếu Chính phủ và đầu tư công năm nay đã có đổi mới phân bổ theo trung hạn, thời gian phân bổ phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các danh mục để tránh phân tán và dàn trải nên cần phải có thời gian sắp xếp giữa các bộ, ngành, địa phương. Tuy chậm nhưng việc phân bổ, sắp xếp theo đúng công trình cần thiết sẽ cho hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn.

Trên đà giải ngân hiện nay (5 tháng đầu năm mới giải ngân được 18.500 tỷ đồng), Bộ trưởng Huệ hy vọng từ nay đến cuối năm mỗi tháng có thể được giải ngân khoảng 21.500 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.

Không thể giảm thuế để kéo giá bán xuống
 
Về kiến nghị của đại biểu cần giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ trưởng cho rằng, nếu giảm thuế VAT từ 10% hiện nay xuống còn 5% thì ngân sách sẽ không bù đắp được (tương đương giảm 115.180 tỷ đồng). Trong điều kiện lạm phát thấp hiện nay, nếu áp dụng biện pháp giảm thuế để kéo giá bán xuống là không phù hợp.

Thực tế năm 2009, Việt Nam đã áp dụng biện pháp này nhưng doanh nghiệp không giảm giá bán trong khi ta không có chế tài nào để bắt buộc, còn người dân thì không được hưởng lợi nhiều. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu phương án giảm thuế VAT, có thể thực hiện giảm theo một số phân khúc nào đó.

Cũng về giảm thuế, Bộ trưởng cho biết, nếu giảm ngay xuống 20% so với 25% như hiện nay theo ý kiến đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) sẽ rất khó cho việc bù đắp ngân sách với khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, về dài hạn, có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% vào năm 2020.

Với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Bộ trưởng Huệ cho biết: Tính đến cuối 2010, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng vốn tài sản 1.799 nghìn tỷ, trong đó nợ phải trả là 1.088 nghìn tỷ, theo đó, vốn của chủ sở hữu vẫn còn 40%.

Tỷ lệ này chưa thật cao như mong muốn nhưng xét trong các nền kinh tế đang phát triển và các doanh nghiệp nói chung là không thấp. Lợi nhuận của 12 tập đoàn, tổng công ty là 162.910 tỷ đồng, tăng 66% so với thực hiện 2009. Có một số doanh nghiệp lỗ do làm ăn yếu kém nhưng cũng có doanh nghiệp lỗ do chính sách giá.

Nhiều doanh nghiệp giải thể là mới thành lập

Trao đổi với báo giới bên lề Quốc hội chiều 7/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có một thống kê rất cụ thể tại 63 tỉnh thành với tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và loại hình doanh nghiệp. Tính đến ngày 31/5, cả nước có 21.800 doanh nghiệp thuộc diện khó khăn, phải đình hoãn hoặc ngừng hoạt động. Con số của 4 tháng đầu năm do chính Bộ công bố trước đó là 17.700 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2011.

“Nhìn vào thực trạng này, không ai có thể phủ nhận doanh nghiệp đang hết sức khó khăn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Nếu như năm 2010, tăng trưởng tín dụng cả nước là 33% thì tới 2011 chỉ còn 14%. 5 tháng đầu năm nay, lượng vốn đưa ra còn ít hơn, giảm 0,83% so với cùng kỳ. Như vậy, một lượng rất lớn vốn không được đưa ra thị trường thì bảo làm sao doanh nghiệp không khó khăn", Bộ trưởng Vinh nói.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Vinh, trong số các doanh nghiệp phải giải thể vừa qua cũng có nhiều doanh nghiệp thuộc diện mới thành lập, gặp khó khăn không thể tồn tại được thì phải giải thể. Nhóm thứ hai phải đi đến giải thể là những doanh nghiệp yếu, quản trị kém, kinh doanh mặt hàng không phù hợp... nên phải đình hoãn và cuối cùng là giải thể.

“Những trường hợp giải thể như vậy có thể coi là sự sàng lọc tự nhiên trong cơ chế thị trường. Trong khó khăn sẽ loại đi doanh nghiệp yếu kém để những doanh nghiệp nào mạnh khỏe thì tồn tại, đó là sự chọn lọc tốt. Trong đề án tái cơ cấu, chúng ta cũng mong muốn số doanh nghiệp này phải giải thể”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư bình luận.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng thừa nhận, trên thực tế vẫn có những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh và đóng góp tốt cho xã hội nhưng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, chi phí đầu vào tăng cao mà thị trường tiêu thụ lại bị thu hẹp. Do đó, chúng ta cần các giải pháp hỗ trợ để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, hoạt động ổn định trở lại.

Nói về gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng vừa công bố mà nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chưa đủ mạnh giúp vực dậy các doanh nghiệp, ông Vinh cho rằng: “Gói 29.000 tỷ đồng chủ yếu mới ở mức độ hỗ trợ một phần chứ không phải tháo gỡ khó khăn. Cái doanh nghiệp cần lúc này chính là hỗ trợ nguồn vốn”.

Nguyễn Hiền