1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cổ phiếu Yeah1 khiến bà Trần Uyên Phương cắt lỗ đậm giờ ra sao?

Mai Chi

(Dân trí) - Thương vụ bà Trần Uyên Phương "sa lầy" tại cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 từng gây chú ý đối với công chúng. YEG hiện ra sao?

Dữ liệu giao dịch cho thấy, năm 2020, bà Trần Uyên Phương liên tục gom vào cổ phiếu YEG và nâng sở hữu lên tới 6,75 triệu đơn vị, tương ứng nắm 22,12% vốn điều lệ tập đoàn.

Mặc dù là cổ đông lớn của Yeah1 nhưng việc nắm giữ cổ phiếu YEG của bà Uyên Phương lại rất chóng vánh. Lần gom mua cuối cùng vào trung tuần tháng 12/2020 nhưng kể từ tháng 7/2021 thì bà đã bán ra.

Cổ phiếu Yeah1 khiến bà Trần Uyên Phương cắt lỗ đậm giờ ra sao? - 1

Dữ liệu giao dịch cổ phiếu YEG của bà Trần Uyên Phương (Ảnh chụp màn hình).

Tổng số lần giao dịch bán ra cổ phiếu YEG của bà Trần Uyên Phương lên tới 10 lần trong khi chỉ có một lần mua lại (cover) vào đầu tháng 1/2022.

Cuối tháng 5/2022, bà Phương đã bán gần như toàn bộ số YEG mà bà nắm giữ, chỉ còn một khối lượng nhỏ, bật khỏi nhóm cổ đông lớn và không còn có nghĩa vụ công bố thông tin. Việc bán ra của bà Phương thường thông qua giao dịch thỏa thuận nhưng giá cũng phải hạ xuống rất thấp và chấp nhận mất 60-70% so với lúc mua vào.

Dù vậy, mức giá hiện tại của cổ phiếu so với thời điểm cắt lỗ của bà Phương thậm chí còn thê thảm hơn. Trong phiên giao dịch sáng nay (11/4), cổ phiếu YEG của Yeah1 giảm 3% còn 9.890 đồng/cổ phiếu và đã rớt khỏi mốc mệnh giá 10.000 đồng. Mặc dù mức giá này của YEG đã hồi phục rất mạnh (tăng hơn 43%) so với đáy thiết lập tháng 11/2022 (6.900 đồng) nhưng vẫn giảm sâu so với thời đỉnh cao.

Thời điểm mới chào sàn, YEG từng có giá 319.000 đồng/cổ phiếu và theo đó, mức giá hiện tại của cổ phiếu này đã bị "thổi bay" gần 97% so với hồi giữa năm 2018.

Cổ phiếu Yeah1 khiến bà Trần Uyên Phương cắt lỗ đậm giờ ra sao? - 2

Diễn biến giá cổ phiếu YEG (Ảnh chụp màn hình).

Sáng nay, thị trường chứng khoán chịu áp lực chốt lời mạnh mẽ. Các chỉ số đồng loạt điều chỉnh. VN-Index mất 7,93 điểm tương ứng 0,74% còn 1.057,42 điểm; VN30-Index giảm 9,7 điểm tương ứng 0,9% còn 1.067,71 điểm. HNX-Index giảm 2,46 điểm tương ứng 1,16% còn 209,55 điểm. Trong khi đó UPCoM-Index vẫn tăng nhẹ 0,07 điểm.

Thanh khoản thị trường thu hẹp so với các phiên gần đây cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch đạt 337,71 triệu cổ phiếu tương ứng 5.642,18 tỷ đồng trên HoSE; trên HNX là 56,45 triệu cổ phiếu tương ứng 876,18 tỷ đồng.

Phần lớn cổ phiếu trên thị trường mất giá. Sàn HoSE có 269 mã giảm so với 82 mã tăng; sàn HNX có 100 mã giảm so với 48 mã tăng. Tuy vậy, số lượng mã giảm sàn không đáng kể, theo đó, tình trạng giảm điểm hiện tại chủ yếu do nhà đầu tư chốt lời chủ động.

Nếu những phiên trước, cổ phiếu dịch vụ tài chính được săn đón rất mạnh và tăng giá tốt thì phiên sáng nay đã điều chỉnh giảm. Một số mã giảm khá sâu như TVB giảm 4,5%; ORS giảm 3,7%; CTS giảm 3,4%; BSI giảm 3,2%; AGR giảm 2,5%; IBC giảm 2,4%; SSI giảm 2,2%...

Ngoại trừ LPB và VIB tăng giá nhẹ thì phần lớn cổ phiếu ngân hàng giảm giá: SHB giảm 2,1%; TCB giảm 2%; OCB giảm 1,8%; TPB giảm 1,7%; HDB giảm 1,5%; STB giảm 1,2%; ACB giảm 1,2%.

Tương tự, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng bị bán ra. DIG giảm 6,3% và ngấp nghé mức giá sàn. NVT giảm 5,6%; QCG giảm 4,7%; SCR giảm 4,4%; HPX giảm 4,3%; LDG giảm 4,2%; HQC giảm 4%; NVL giảm 3,8%; SZL giảm 3,6%; VRC giảm 3,5%.