1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cổ phiếu “xác chết” đầy rẫy trên sàn

Các cổ phiếu này thường được các “đội lái” thao túng đẩy giá bất thường khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu “xác chết” là cách các nhà đầu tư gọi cổ phiếu của những doanh nghiệp (DN) có hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, không minh bạch công bố thông tin… đang niêm yết hoặc vừa bị hủy niêm yết trên sàn Hà Nội, TP.HCM và sàn UPcom.
 
Cổ phiếu “xác chết” đầy rẫy trên sàn
Các nhà đầu tư đang chờ cơ quan quản lý loại bỏ khỏi sàn những cổ phiếu kém chất lượng và hy vọng trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều mã hàng hóa chất lượng cao niêm yết.

 

Khai tử

 

Ngày 18/6, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông tin từ ngày 17/7 sẽ hủy niêm yết 8,3 triệu cổ phiếu AGC (Công ty CP Cà phê An Giang) vì AGC đã lỗ hai năm liên tiếp. nguồn vốn chủ sở hữu tính đến hết quý I-2012 đã âm hơn 63 tỉ đồng.

 

Kết thúc năm tài chính 2011, kiểm toán nghi ngờ hoạt động của AGC khó kéo dài vì lỗ phát sinh đã hơn 144 tỉ đồng, trong khi vốn sở hữu chỉ hơn 53 tỉ đồng. Trước khi bị loại khỏi sàn, cổ phiếu AGC đã liên tục vi phạm về công bố thông tin, không công bố báo cáo tài chính…

 

Một cổ phiếu khác cũng khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ là cổ phiếu HBB (Ngân hàng Phát triển Nhà Hà Nội) vừa sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội. Nếu không có đề án sáp nhập buộc công bố thì nhà đầu tư còn lâu mới biết vì sao HBB phải bán mình. Một trong những lý do chính khiến ngân hàng này phải sáp nhập, mất thương hiệu là vì cho Vinashin vay nợ khó đòi gần 5.000 tỉ đồng.

 

Đồng cảnh ngộ, cổ phiếu TRI (Công ty CP Nước giải khát Tribeco) cũng là cổ phiếu chỉ còn có “vỏ”. Ngày 19/4, cổ phiếu này đã xin tự hủy niêm yết. Để được cơ quan quản lý cho hủy niêm yết, TRI đã có tờ trình phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông nhỏ và hứa sẽ niêm yết ở sàn UPcom.

 

Nhiều cổ phiếu khác cũng bị liệt vào loại “xác chết” ở kênh chứng khoán như cổ phiếu CAD (Công ty CP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex), VTA (Công ty CP Vitaly), VKP (Công ty CP Nhựa Tân Hóa)… Cổ phiếu VTA dù đã chuyển sang niêm yết sàn UPcom nhưng liên tục thua lỗ và đang có dự tính nhờ các công ty mua bán nợ tìm phương án tái cấu trúc. Thảm hơn, cổ phiếu Công ty Cavico sau khi hủy niêm yết thì website của công ty này cũng “đứng hình” khiến nhà đầu tư không biết tìm kiếm thông tin công ty ở đâu.

 

Chờ chuẩn niêm yết mới

 

Mới đây, khi góp ý tái cấu trúc thị trường chứng khoán, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) từng đề xuất giải pháp loại bỏ các DN không đủ chuẩn niêm yết ra khỏi sàn. Trong văn bản gửi phó thủ tướng, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký VAFI, cho biết hiện có một số DN kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, nợ nhiều không trả được hoặc chỉ thanh toán ở mức tượng trưng, không trích lập dự phòng đầy đủ về giảm giá chứng khoán… Những DN này không đủ vốn pháp định niêm yết (sàn Hà Nội 10 tỉ đồng, sàn TP.HCM 80 tỉ đồng) hoặc thậm chí mất hết vốn điều lệ nếu hạch toán đúng theo các chuẩn mực kiểm toán.

 

Từ đó, VAFI đề nghị để xây dựng một sàn giao dịch chứng khoán theo tiêu chuẩn quốc tế, cần phải đưa ra nhiều tiêu chuẩn cao cho các bên tham gia thị trường. Cụ thể, DN niêm yết phải có vốn điều lệ trên 200 tỉ đồng, tuổi đời của DN trên 10 năm và phải luôn duy trì tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ bình quân trong năm năm là 30%…

 

Trao đổi với phóng viên mới đây, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán, cho biết trong đề án tái cấu trúc kênh chứng khoán có đề cập việc nâng chuẩn niêm yết hàng hóa trên sàn. Đề án đã có, giờ chỉ còn cách làm và thời gian thực hiện.

 

Tuy nhiên, sau khi đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) được thông qua, đến nay việc nâng chất cổ phiếu trên sàn vẫn chưa được khởi động. Tổng giám đốc một CTCK có trụ sở ở TP.HCM cho biết cơ quan quản lý chưa phổ biến gì về lộ trình và cách thực hiện việc nâng chất cổ phiếu niêm yết. “Với thị trường chứng khoán đang xấu thế này, giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ còn 500-800 tỉ đồng so với mức trung bình 2.000 tỉ đồng lúc trước thì việc tái cơ cấu hàng hóa trên sàn chắc sẽ chậm lại” - ông này bình luận.

 

 Nhiều cổ phiếu bị cảnh báo, cảnh cáo

 

Trên hai sở giao dịch Hà Nội và TP.HCM hiện đang có nhiều cổ phiếu bị cảnh báo và cảnh cáo toàn thị trường. Đó là các cổ phiếu như ASP (Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An Pha), STT (Công ty CP Vận chuyển SaiGon Tourist), TV1 (Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1), VNA (Công ty CP Vận tải biển Vinaship), DDM (Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô)… Các công ty này có lợi nhuận sau thuế âm, vi phạm nhiều lần về công bố thông tin, kiểm toán có ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục…

 

Theo Bùi Nhơn

Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm