1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vingroup được định giá bao nhiêu khi vốn hóa VinFast vượt 85 tỷ USD?

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi cổ phiếu VinFast tăng giá hơn 68% ngay phiên đầu tiên ra mắt sàn Nasdaq thì VIC cũng tăng trần, đưa giá trị vốn hóa Vingroup đạt hơn 12 tỷ USD.

Ngay sau khi cổ phiếu VFS vừa đóng cửa với mức tăng chóng mặt trên sàn Nasdaq (Mỹ) thì tại Việt Nam, VIC của Vingroup cũng đã bật tăng tím lịm ngay từ đầu phiên sáng nay (16/8).

Cụ thể, VIC tăng kịch biên độ sàn HoSE lên 75.600 đồng/cổ phiếu với khớp lệnh 14,16 triệu cổ phiếu, trắng bên bán.

Vingroup được định giá bao nhiêu khi vốn hóa VinFast vượt 85 tỷ USD? - 1

VIC xếp thứ 2 về giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Nguồn: VNDS).

Với thị giá hiện tại, giá trị vốn hóa của VIC hiện xếp thứ 2 toàn thị trường, đạt 288.334 tỷ đồng, chỉ đứng sau VCB của Vietcombank. Mức vốn hóa của VIC tương đương với khoảng 12,1 tỷ USD.

Vingroup là công ty mẹ của VinFast. Hồi tháng 4, Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng cam kết tài trợ tổng cộng 2,5 tỷ USD cho VinFast: Trong vòng 1 năm tới, ông Vượng sẽ hiến tặng 1 tỷ USD từ nguồn tài sản cá nhân còn  Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay 1 tỷ USD với thời hạn tối đa 5 năm.

Trước khi lên sàn Mỹ, VinFast được định giá 23 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ sau cú rung chuông của Tổng giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy thì cổ phiếu VFS đã mở cửa phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq với giá 22 USD/cổ phiếu.

Với khoảng 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, mức định giá của VinFast thời điểm chào sàn chứng khoán Mỹ đạt xấp xỉ 50 tỷ USD. Kết phiên 15/8, VFS đạt mức giá 37,06 USD (tăng 68,45% so với giá mở cửa), tương ứng giá trị vốn hóa lên đến hơn 85 tỷ USD.

Vingroup được định giá bao nhiêu khi vốn hóa VinFast vượt 85 tỷ USD? - 2

VIC đóng góp chủ yếu vào mức tăng của VN-Index sáng nay (Nguồn: VNDS).

Trở lại với thị trường trong nước, sáng nay VIC tăng mạnh đã đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt thị trường tăng điểm. Chỉ riêng mã này đã mang lại cho VN-Index 4,73 điểm, giúp VN-Index tăng 7,44 điểm tương ứng 0,6% lên 1.241,49 điểm; HNX-Index tăng 0,19 điểm tương ứng 0,08% và UPCoM-Index điều chỉnh nhẹ 0,04 điểm tương ứng 0,04%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản có một số mã khác giữ được đà tăng tốt là TDH tăng 6,5%; DXS tăng 3%; VPH tăng 2,5%; SJS tăng 1,8%... trong khi phần lớn cổ phiếu thuộc ngành này đều bị chốt lời và điều chỉnh: NBB giảm 2,3%; LGL giảm 2,3%; SIP giảm 2,1%; QCG giảm 2,1%; ITA giảm 2%; HQC, DRH, KHG, NVL, KDH, VRC, CRE… giảm giá.

Cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu chứng kiến hoạt động chốt lời mạnh tại LGC, DPG, HVX, LBM, PHC, VGC nhưng ngược lại, FCM và DC4 lại tăng trần, CTD tăng 1,5%; HT1 tăng 1,2%.

Tình trạng phân hóa diễn ra tại ngành tài nguyên cơ bản. Nếu như TNA và TNT tăng trần, TTF tăng 3,2%; SAV tăng 2,5%; HHP tăng 1,7% thì SHA, BMC, SMC, POM, NKG, HSG, TLH lại giảm giá.

Cổ phiếu ngành tài chính vẫn tiếp tục được quan tâm. Trong nhóm chứng khoán, VIX tăng 3,2% với khớp lệnh 17,3 triệu đơn vị; EVF tăng 2,2%; TVS, VDS, HCM, VND tăng giá nhẹ Tại nhóm ngân hàng, TCB tăng 3,2%; STB tăng 2,5%; EIB tăng 2%; LPB, MSB, BID, HDB tăng giá.

Trên thị trường chung, thanh khoản đạt 427 triệu cổ phiếu tương ứng 9.978 tỷ đồng trên sàn HoSE và hơn 49 triệu cổ phiếu tương ứng 970 tỷ đồng trên sàn HNX. Thị trường UPCoM có hơn 24 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 362 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm