Cổ phiếu Sabeco, Habeco tăng trần trước thềm Euro 2024

Mai Chi

(Dân trí) - Cổ phiếu ngành bia bùng nổ trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng đối với loại đồ uống này thường tăng vọt vào dịp hè, đặc biệt trước thềm Euro 2024.

Trạng thái "xanh vỏ đỏ lòng" một lần nữa lặp lại trên sàn HoSE trong phiên 5/6 khi chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,83 điểm tương ứng 0,07% lên 1.284,35 điểm bất chấp số lượng mã giảm lấn át số mã tăng (có 236 mã giảm giá và 189 mã tăng giá trên sàn HoSE).

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,17 điểm tương ứng 0,07% và UPCoM-Index tăng 0,46 điểm tương ứng 0,48%. Các chỉ số nhìn chung đều đóng cửa tại mức thấp trong phiên do hoạt động chốt lời gia tăng vào cuối phiên giao dịch.

Thanh khoản tiếp tục duy trì mức cao với khối lượng giao dịch tại sàn HoSE là 925,05 triệu cổ phiếu tương ứng 24.088,58 tỷ đồng và tại sàn HNX là 88,69 triệu cổ phiếu tương ứng 1.810,41 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 61,48 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.227,86 tỷ đồng.

Cổ phiếu Sabeco, Habeco tăng trần trước thềm Euro 2024 - 1

Thanh khoản duy trì cao trong phiên 5/6 (Nguồn: VNDS).

Cổ phiếu vốn hóa lớn bị chốt lời khiến VN30-Index giảm 1,33 điểm tương ứng 0,1%. Tuy vậy, trong rổ VN30 vẫn có một số mã tăng rất tốt. SAB bật tăng trần lên 65.600 đồng, khớp lệnh 2,9 triệu đơn vị và dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị, là mã cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. Bên cạnh đó, VNM cũng tăng 3,8%; BVH tăng 3,1%; BCM tăng 2,1%.

Cổ phiếu thực phẩm và đồ uống có diễn biến tích cực và gây chú ý trong phiên hôm nay. Bên cạnh SAB của Sabeco thì cổ phiếu BHN của Habeco cũng tăng trần lên 40.950 đồng.

Cổ phiếu ngành bia bùng nổ trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng đối với loại đồ uống này thường tăng vọt vào dịp hè, đặc biệt là tới đây sẽ diễn ra mùa giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro) 2024.

Trong quý I, Sabeco đạt gần 7.184 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế gần 1.024 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Habeco đạt 1.308 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so cùng kỳ nhưng lại lỗ sau thuế 21 tỷ đồng.

Trở lại với thị trường chứng khoán, các mã khác trong ngành thực phẩm như LSS cũng tăng trần, SBT tăng 33,%; VNM, BBC, SMB, HNG đều tăng giá rất tích cực.

Phần lớn cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán chốt lời và bị điều chỉnh giá như MBB, STB, CTG, HDB, ACB, VPB, TPB, MSB… Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản lại có nhiều mã tăng trần như LEC, SGR, SIP, CKG. Cổ phiếu FIR tăng 5,8%; IJC tăng 2,3%; TIP tăng 2,3%; QCG tăng 2%, VRE, SZL, DXS, LDG tăng giá. Tương tự, cổ phiếu xây dựng và vật liệu cũng đồng pha. HVH và NHA tăng trần, LM8, ADP, TCR, VSI tăng mạnh nhưng thanh khoản thấp.

Phiên này, cổ phiếu ngành công nghệ thông tin vẫn tiếp tục đà tăng, ST8, ITD, SAM tăng trần, SGT tăng 3,1%; ICT tăng 1,3% và FPT tăng 0,7%.