Cổ phiếu rơi thẳng đứng, tài sản nhà ông Bùi Thành Nhơn còn bao nhiêu?
(Dân trí) - Ông Bùi Thành Nhơn đã rớt khỏi danh sách tỷ phú USD do Forbes thống kê và thậm chí bị đánh bật khỏi top 20 những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
2 trong số 30 cổ phiếu của rổ VN30 phiên 21/11 là một trong những nguyên nhân kéo giảm hiệu suất thị trường, đẩy VN-Index về sát mốc 960 điểm, tạo nên hiện tưởng "đỏ vỏ xanh lòng" của sàn HoSE.
Hai mã cổ phiếu này là các ông lớn bất động sản NVL của Novaland và PDR của Phát Đạt. Trong đó, NVL có phiên giảm sàn thứ 13 liên tiếp, mặc dù khối nhà đầu tư ngoại mua ròng nhưng mã này vẫn trắng bên mua, khớp lệnh 630.900 cổ phiếu trong khi dư bán giá sàn vẫn còn 55,81 triệu đơn vị.
Trong chuỗi giảm sàn này, NVL đã đánh mất tới gần 61% thị giá, còn nếu so thời điểm đầu năm (cũng là thời điểm NVL đạt đỉnh giá lịch sử) thì thị giá của mã này đã bị "thổi bay" hơn 70%. Từ vùng giá 91.000 đồng (giá đã điều chỉnh), hiện tại NVL chỉ còn 27.250 đồng/cổ phiếu.
Với tình trạng này, ông Bùi Thành Nhơn đã rớt khỏi danh sách tỷ phú USD do Forbes thống kê và thậm chí mất hút trong danh sách người giàu chứng khoán trong nước, bị đánh bật khỏi top 20 những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và thiệt hại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Sau các giao dịch bán ra cổ phiếu vào hồi tháng 5 và đầu tháng 10, ông Bùi Thành Nhơn hiện chỉ sở hữu 96,8 triệu cổ phiếu NVL (tương ứng tỷ lệ 4,96% vốn điều lệ Novaland) trong khi bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Nhơn cũng giảm sở hữu còn 83,4 triệu cổ phiếu NVL (chiếm tỷ lệ 4,28%).
Tổng sở hữu do vợ chồng ông Bùi Thành Nhơn trực tiếp nắm giữ tại Novaland là 180,2 triệu cổ phiếu NVL. Theo đó, chuỗi giảm sàn 13 phiên vừa qua đã cuốn trôi 7.559 tỷ đồng tài sản của vợ chồng Chủ tịch Nova Group.
Chiều ngược lại, Nova Group (tập đoàn mẹ của Novaland) lại mua vào cổ phiếu NVL và đến ngày 11/11 đã tăng sở hữu lên 723,7 triệu cổ phiếu NVL (chiếm tỷ lệ 37,11%).
Giải trình về tình trạng giảm sàn 10 phiên liên tục của giá cổ phiếu, đại diện Novaland vẫn nhất quán quan điểm do "yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô" như đã từng đề cập khi nói về việc NVL giảm sàn 5 phiên liền trước đây.
Về phần cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Phát Đạt tính tới nay đã là phiên thứ 12 liên tiếp giảm kịch biên độ trên sàn HoSE. Chuỗi lao dốc này đã lấy đi của PDR 59% thị giá. So với đỉnh giá thiết lập hồi tháng 12/2021, thị giá PDR đã "bốc hơi" hơn 76%.
Đáng chú ý, kết phiên này tại PDR chỉ có 172.600 cổ phiếu được khớp lệnh nhưng lại chất lệnh dư bán giá sàn lên tới 101,72 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu PDR lao dốc thẳng đứng trong bối cảnh lãnh đạo doanh nghiệp này liên tục bị "call margin" và force sell (bán giải chấp) cổ phiếu.
Điểm chung giữa hai đại gia bất động sản Novaland và Phát Đạt là đều dùng cổ phiếu của lãnh đạo làm tài sản thế chấp cho các khoản huy động trái phiếu.
Tại thời điểm 30/9, dư nợ trái phiếu ngắn hạn của Novaland là 22.702,5 tỷ đồng và dư nợ trái phiếu dài hạn là 27.787,5 tỷ đồng. Trong khi đó, Phát Đạt cũng đang thế chấp 152 triệu cổ phiếu làm đảm bảo cho các khoản nợ vay bằng trái phiếu; chưa hết, công ty này còn dùng 25,5 triệu cổ phiếu PDR cho khoản nợ 1.270,3 tỷ đồng tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset, ACA Vietnam Real Estate III LP và một số cá nhân, tổ chức khác.
Trên thị trường chứng khoán phiên 21/11 ghi nhận có 578 mã tăng, 124 mã tăng trần; trong đó, số lượng mã tăng trên sàn HoSE là 259 mã so với 117 mã giảm. Số cổ phiếu tăng giá đang áp đảo so với số cổ phiếu giảm trên toàn thị trường phiên 21/11, thế nhưng VN-Index vẫn để mất gần 9 điểm.
Nguyên nhân khiến chỉ số chính của thị trường giảm mạnh chủ yếu đến từ hiện tượng chốt lời tại nhóm cổ phiếu VN30. VN30-Index giảm 14,31 điểm tương ứng 1,47% còn 956,89 điểm.