Cổ phiếu ô tô khởi sắc sau đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ
(Dân trí) - Giới đầu tư trải qua một phiên giao dịch "thót tim" trong phiên hôm nay khi VN-Index có lúc thủng mốc 1.250 điểm. Phiên chiều, chỉ số phục hồi và một số mã phụ tùng, ô tô tăng tích cực.
VN-Index "rút chân" cuối phiên, lấy lại mốc 1.260 điểm
Thị trường hồi phục trong phiên chiều 26/6. VN-Index đóng cửa tăng 4,68 điểm tương ứng 0,37% lên 1.261,24 điểm, lấy lại mốc 1.260 điểm. Trong khi đó, HNX-Index thu hẹp biên độ thiệt hại, giảm 0,51 điểm tương ứng 0,21% và UPCoM-Index điều chỉnh 0,07 điểm tương ứng 0,08%.
Thanh khoản đạt 871,74 triệu cổ phiếu tương ứng 20.683,59 tỷ đồng trên HoSE và 47,83 triệu cổ phiếu tương ứng 9991,31 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 48,25 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 799,27 tỷ đồng.
GVR chiều nay bất ngờ tăng trần lên 35.950 đồng, khớp lệnh 10,3 triệu đơn vị. Một số mã trong VN30 cũng hồi phục mạnh mẽ: BCM tăng 4,8%; PLX tăng 3,4%; POW tăng 2%; MWG tăng 1%.
Trong nhóm hóa chất, một số mã khác cũng đạt được mức tăng tốt như DPR tăng 3,8%; BFC tăng 3,6%; TRC tăng 2,8%; PHR tăng 2,7%; HCD tăng 1,8%. Cổ phiếu điện, nước, xăng dầu khí đột bật tăng tại nhiều mã như PPC, SMA và PSH tăng kịch biên độ; CLW tăng 4,4%; BWE tăng 4,2%; CNG tăng 2%.
Ngành xây dựng và vật liệu chứng kiến DXV và HID tăng trần, trắng lệnh bán; PC1 tăng 4%; LBM tăng 3,1%; CTD, HBC, TCD tăng nhẹ.
Theo nhận định của TS. Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE, cổ phiếu đầu tư công được hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Số liệu 5 tháng đầu năm cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 26,6% so với kế hoạch, mức giải ngân này tương đối thấp so với các năm trước. Tuy nhiên, dư địa cho chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là không nhiều. Do vậy, DNSE kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong nửa 6 tháng cuối năm.
HVN chỉ được giao dịch phiên chiều, tăng 0,9% lên 34.300 đồng, khớp lệnh 2,9 triệu đơn vị. Trong phiên hôm qua, HVN tăng gần 4% và khớp lệnh hơn gấp đôi, khối lượng giao dịch gần 7,7 triệu cổ phiếu. Ở mức giá này, HVN vẫn tăng gần 42% trong vòng 1 tháng qua.
Phiên sáng: VN-Index suýt mất mốc 1.250 điểm
Trước đó, VN-Index suýt mất mốc 1.250 điểm trong phiên sáng. Tạm đóng cửa, chỉ số đại diện sàn HoSE đánh rơi 5,31 điểm tương ứng 0,42% còn 1.251,25 điểm; HNX-Index giảm 1,74 điểm tương ứng 0,72% và UPCoM-Index điều chỉnh 0,44 điểm tương ứng 0,45%.
Thanh khoản thị trường đạt 409,52 triệu cổ phiếu tương ứng 9.188,4 tỷ đồng trên HoSE; 25,67 triệu cổ phiếu tương ứng 504,91 tỷ đồng trên HNX và 26,44 triệu cổ phiếu tương ứng 432,29 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Phần lớn cổ phiếu trên thị trường điều chỉnh. Số lượng mã giảm trên sàn HoSE gần gấp 3 số mã tăng giá (108 mã tăng so với 297 mã giảm); trên HNX có 61 mã tăng, 91 mã giảm và mức chênh lệch trên UPCoM là 134 mã giảm, 103 mã tăng.
Có tới 20 mã trong rổ VN30 giảm giá khiến chỉ số rổ này giảm 8,26 điểm tương ứng 0,64%. Cổ phiếu VRE bị chốt lời mạnh. Sau khi tăng trần ở phiên hôm qua, tiếp tục tăng lên 21.500 đồng vào đầu phiên sáng thì mã này đã quay đầu điều chỉnh, mất 2,1%.
Ngoại trừ LPB và VCB đạt được trạng thái tăng thì cổ phiếu ngân hàng đồng loạt mất giá. OCB giảm 2,4%; TCB giảm 1,7%; STB giảm 1,7%; ACB giảm 1,5%; CTG giảm 1,4%.. Cổ phiếu chứng khoán cũng điều chỉnh trên diện rộng: TCI mất 2,3%; EVF mất 1,8%; AGR mất 1,8%; VCI mất 1,6%; CTS mất 1,5%; SSI mất 1,3%; HCM mất 1,3%...
Tại ngành bất động sản, các cổ phiếu hầu hết giảm giá, tuy vậy, lực bán ra chưa thật sự quyết liệt. NVT mất thêm 3,2%. Các mã khác như TCH giảm 2,3%; KDH, NLG, SGR, ITA, HDC, DIG, QCG… đều mất giá. Trong khi VRE quay đầu giảm thì VHM và VIC vẫn đang giữ được mức tham chiếu.
Nhiều cổ phiếu xây dựng và vật liệu điều chỉnh. TCR giảm sàn, EVG giảm 4,5%; NHA giảm 4,4%; CTR giảm 3,2%; HVH giảm 2,5%; DPG giảm 2,5%. Cổ phiếu ngành hàng và dịch vụ công nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng bị chốt lời: GEX, VSC, PVT, VIP, PVP, VOS đồng loạt giảm giá.
Cổ phiếu ô tô, phụ tùng tăng giá
Các cổ phiếu ngành ô tô và phụ tùng tăng giá, phản ứng tích cực với đề xuất của Bộ Tài chính từ ngày 1/8 năm nay đến hết ngày 31/1/2025, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022 của Chính phủ ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng như một giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng.
Dự kiến, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước về lệ phí trước bạ bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng.
Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng có thể tăng.
Tuy nhiên, số thu thực tế từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng chỉ tập trung ở 8 địa phương nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, còn các địa phương khác đều giảm thu ngân sách địa phương từ chính sách này.
Cuối phiên 26/6, DRC tăng trần, khớp lệnh 6,8 triệu đơn vị và dư mua giá trần hơn 2 triệu cổ phiếu. SVC tăng 6,5%; HAX tăng 4,2% và CSM tăng 3,2%. Trong đó, SVC tăng tới 25,5% chỉ trong 1 tuần.