1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cổ phiếu họ FLC và bất động sản Thủ Thiêm "nhốt sàn" nhà đầu tư

Mai Chi

(Dân trí) - "Tưởng ăn đậm mà sáng ra đã mất con xe GLC300 rồi" - một nhà đầu tư than thở vì danh mục chủ yếu nắm cổ phiếu bất động sản nhưng sáng nay không thể thoát hàng do lệnh sàn đã chất cứng.

Cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Tuy nhiên, trong "cơn say" chiến thắng, nhiều nhà đầu tư vẫn bất ngờ khi thị trường có cú đảo pha rất mạnh, nhiều mã tăng nóng bị xả không thương tiếc chủ yếu do liên quan đến xử lý giao dịch chui cổ phiếu FLC và vụ xin bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã thắng đậm ở cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là dòng penny trong hơn một tháng qua. Trong khi cổ phiếu ngành sản xuất, ngân hàng, chứng khoán… trầm lắng thì cổ phiếu bất động sản liên tục tăng nóng và tạo nên làn sóng "fomo" (mua đuổi).

Người mua ở vùng giá thấp thì hễ thoát được hàng giá nào cũng có lãi. Rủi ro cuối cùng thuộc về những người mua ở vùng đỉnh giá và bị "kẹp hàng", thị trường lao dốc trong khi cổ phiếu chưa về tài khoản, hoặc chưa kịp chốt lời thì cổ phiếu đã bị "khóa sàn", không thể bán ra.

Cổ phiếu họ FLC và bất động sản Thủ Thiêm nhốt sàn nhà đầu tư - 1

Nhiều cổ phiếu bất động sản trắng bên mua (Ảnh chụp màn hình).

Cổ phiếu "họ" FLC giảm kịch biên độ

Nếu như ở phiên 11/1, nhà đầu tư vẫn còn cơ hội bán ra cổ phiếu thì sáng nay, không ít nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu bất động sản liên quan đến Thủ Thiêm và cổ phiếu "họ" FLC đã gần như không có cơ hội thoát hàng.

Tạm đóng cửa phiên sáng, toàn bộ cổ phiếu "họ" FLC đều giảm kịch biên độ trên các sàn giao dịch. FLC dư bán sàn gần 39 triệu đơn vị và chỉ khớp lệnh 2,44 triệu cổ phiếu; FLC dư bán sàn hơn 77 triệu cổ phiếu nhưng chỉ khớp 1,3 triệu.

HAI dư bán sàn gần 18 triệu cổ phiếu nhưng khớp lệnh vỏn vẹn chưa tới 550 nghìn đơn vị; AMD dư bán sàn 14,6 triệu cổ phiếu, khớp lệnh 1,18 triệu; KLF dư bán sàn 20,7 triệu cổ phiếu, khớp lệnh 1,4 triệu cổ phiếu và ART dư bán sàn gần 9 triệu đơn vị, khớp lệnh 2,5 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn bắt sàn dù lực mua chưa thể "giải cứu" được những mã này. Trong số cổ phiếu đã được khớp lệnh có góp sức của nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, các mã trong "họ" FLC đều đang được nhà đầu tư ngoại mua ròng với khối lượng khá khiêm tốn với mục đích thăm dò.

Cổ phiếu họ FLC và bất động sản Thủ Thiêm nhốt sàn nhà đầu tư - 2

Cổ phiếu "họ FLC" sáng nay không còn được "giải cứu".

Cổ phiếu doanh nghiệp có quỹ đất ở Thủ Thiêm cũng bị ảnh hưởng

Bên cạnh đó, việc lãnh đạo Tân Hoàng Minh có "tâm thư" xin bỏ cọc trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm đã có tác động mạnh tới cổ phiếu những doanh nghiệp có quỹ đất tại khu vực này. Nếu như mới ít hôm trước, nhóm này tăng bất chấp thị trường thì hiện tại bị bán sàn ồ ạt và liên lụy tới nhiều cổ phiếu khác.

CII ngay khi mở phiên đã "nằm sàn" và lệnh bán sàn đến cuối phiên sáng đã chất tới 22,65 triệu đơn vị trong khi khớp lệnh mới chỉ đạt 936.000 cổ phiếu.

Chỉ một ngày trước phiên đấu giá diễn ra (9/12), CII được giao dịch tại 26.750/cổ phiếu đồng nhưng thị giá hiện tại là 52.700 đồng, nghĩa là đã tăng gấp đôi.

CII là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất lớn nhất tại Thủ Thiêm. Trong đó, quỹ đất của CII có được chủ yếu thông qua các hợp đồng BT mà công ty thực hiện để xây dựng hạ tầng cho khu đô thị.

Doanh nghiệp này thậm chí còn thành lập riêng một công ty con chỉ để phát triển các dự án tại khu đô thị này. Đó là Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm (vốn 1.500 tỷ đồng).

Thông qua Công ty Khu Bắc Thủ Thiêm, CII sở hữu dự án BT đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng vốn đầu tư 2.642 tỷ đồng.

Để hoàn vốn cho dự án, CII được UBND TPHCM giao cho hơn 90.000 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây dựng nhà ở) và hơn 6.000 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng) thuộc khu dân cư 3 và 4 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hiện CII cũng đang là chủ đầu tư của một loạt các dự án căn hộ, nhà phố và shophouse tại khu đô thị này như dự án Thủ Thiêm Lakeview.

Bên cạnh đó, sáng nay, NBB (công ty con của CII) còn dư bán sàn hơn 1,9 triệu đơn vị. QCG của Quốc Cường Gia Lai (doanh nghiệp sở hữu một dự án tại Thủ Thiêm là De Capella rộng 4.700 m2) cũng giảm sàn và còn dư bán sàn hơn 2 triệu đơn vị.

Các mã bất động sản khác bị bán tháo ồ ạt CRE, DXG, HQC, LDG, CKG, DRH, ITA, ITC, KHG, PTL… đều giảm kịch sàn.

Tuy vậy, một số mã vẫn khá khỏe và đã "thoát sàn". Chẳng hạn DIG giảm 6,8% nhưng đã hấp thụ hết lệnh bán sàn, khớp lệnh hơn 10 triệu cổ phiếu. SGR, VRC, CCL, NLG, TLD, SZC tương tự cũng đã "thoát sàn" thành công dù vẫn đang ghi nhận giảm trên 6%.

Nhiều cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu cũng bị chốt lời và giảm sàn, trắng bên mua như NHA, PTC, DXV, TGG, EVG, HID, PHC, ROS.

Do hoạt động bán tháo tại cổ phiếu bất động sản nên thị trường chung bị tác động tương đối tiêu cực. Hiện tương bán chốt lời "nghỉ Tết" cũng lan sang các mã khác khiến 807 mã cổ phiếu trên toàn thị trường giảm, 76 mã giảm sàn. Phía tăng có 205 mã, trong đó có 17 mã tăng trần.

Cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, chứng khoán… đang "đỡ" thị trường. Dòng tiền có vẻ như sau khi thoát khỏi cổ phiếu nóng thì đã chuyển sang các dòng cổ phiếu tích lũy suốt thời gian dài vừa qua.

Trong dòng chứng khoán, CTS có lúc tăng trần và hết phiên sáng đang tăng 4,5%; SSI tăng 1,8%; FTS tăng 1,5%; VND tăng 1,4%; AGR tăng 1,3%; BSI, PSI, EVS đều đang tăng giá. Cổ phiếu ngân hàng có một số mã tăng tốt trên 1% như BID, MBB, TCB, MSB, TPB . Tại dòng dầu khí, PVD, PVC, PVS, PVB, BSR đều tăng giá mạnh, trong đó, PVD có lúc tăng trần.