Cổ phiếu Credit Suisse chạm đáy, chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ
(Dân trí) - Tình trạng của Credit Suisse đã thổi bùng lên làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng châu Âu và Mỹ - lĩnh vực vốn đã lao đao ít nhiều trong tuần trước do ảnh hưởng của vụ SVB sụp đổ.
Mới đây, theo Financial Times, Ngân hàng Credit Suisse đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) hỗ trợ sau khi cổ phiếu của đơn vị này lao dốc mạnh ngày 15/3, chạm mức thấp nhất mọi thời đại ngày thứ hai liên tiếp.
Cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm xuống mức 1,56 franc (khoảng 1,69 USD/cổ phiếu) và bị tạm dừng giao dịch do làn sóng bán tháo. Để khắc phục tình hình, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ thông báo sẽ vay 50 tỷ franc Thụy Sỹ (tương đương 53,68 tỷ USD) từ SNB dưới dạng công cụ cho vay có đảm bảo và công cụ thanh khoản ngắn hạn.
Trong một thông báo, Credit Suisse cho biết các bước mới nhất mà họ thực hiện sẽ hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp cốt lõi trong quá trình tạo ra một ngân hàng đơn giản và tập trung hơn được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng.
Ông Octavio Marenzi - nhà phân tích tại Opimas, nhận định: "Việc SNB phải can thiệp và hỗ trợ là điều không thể tránh khỏi. SNB và chính phủ Thụy Sỹ nhận thức đầy đủ rằng sự thất bại của Credit Suisse có thể ảnh hưởng rất lớn tới danh tiếng là trung tâm tài chính của quốc gia này".
Về phần mình, SNB cho biết tình hình vốn tại Credit Suisse vẫn ổn định và họ sẵn sàng bơm thanh khoản trong trường hợp cần thiết.
Trước đó, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã sụt giảm mạnh sau vụ sụp đổ của ngân hàng SVB (Mỹ) và sau khi cổ đông lớn nhất của họ là Ngân hàng Quốc gia Ả rập Saudi tuyên bố không đầu tư thêm nữa. Vốn hóa của Credit Suisse đã giảm xuống dưới mức 7 tỷ franc (khoảng 7,6 tỷ USD), khi ngân hàng này vừa huy động được thêm 4 tỷ franc (tương đương 4,3 tỷ USD) chỉ cách đây vài tháng.
Tình trạng của Credit Suisse đã thổi bùng lên làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng châu Âu và Mỹ - lĩnh vực vốn đã lao đao ít nhiều trong tuần trước do ảnh hưởng của vụ SVB sụp đổ.
Cụ thể, cổ phiếu BNP Paribas đã giảm 10%, Société Générale giảm 12% trong phiên giao dịch ngày 15/3. Trong khi đó, Deutsche Bank và Barclays giảm 9% và ING giảm 10%.
Chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu chốt phiên với mức giảm 3%, chỉ một ngày sau phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu năm. Đồng thời, một số thị trường lớn như Anh, Đức và Pháp cũng chìm trong sắc đỏ.
Thời điểm đóng cửa tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones đã giảm 280,83 điểm, tương đương giảm 0,87%. Phố Wall cũng chứng kiến làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng trở lại. Loạt cổ phiếu ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase, Citigroup đều giảm mạnh, lần lượt ở mức 4,7% và 5,4%. Cổ phiếu của Citigroup sụt 2,9%, JPMorgan giảm 7%. Một số ngân hàng như First Republic Bank và PacWest chứng kiến mức giảm giá cổ phiếu lần lượt là 13% và 14%.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 14/3, cổ phiếu ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đã có dấu hiệu hồi phục trở lại sau đợt bán tháo vào tuần trước do ảnh hưởng của sự sụp đổ của SVB. Tuy nhiên, chưa ổn định được bao lâu thì tình hình của Credit Suisse lại khiến nhà đầu tư một lần nữa lo ngại về cổ phiếu ngành ngân hàng.