Cổ phiếu công ty ông Đặng Thành Tâm và bầu Đức “gây sốc” thị trường

(Dân trí) - Trong khi cổ phiếu KBC của Kinh Bắc tăng trần, gây “bão” chuyển nhượng gần 330 tỷ đồng thì cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai cũng khớp cực mạnh, tăng 4,5%. Chốt phiên, VN-Index tăng 10,5 điểm, thu hút hơn 3.000 tỷ đồng đổ vào sàn TPHCM.<br><a href='http://dantri.com.vn/kinh-doanh/don-quy-iv-vnindex-vot-tang-hon-9-diem-950462.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Đón quý IV, VN-Index vọt tăng hơn 9 điểm</b></a>

 VN-Index tăng tốc mạnh trở lại sau chuỗi cầm cự dài quanh 600 điểm (Đồ thị: VNDirect)
 VN-Index tăng tốc mạnh trở lại sau chuỗi cầm cự dài quanh 600 điểm (Đồ thị: VNDirect)

Phiên chiều 1/10, thị trường tiếp tục nới rộng biên độ tăng. VN-Index có lúc chạm 611,7 điểm. Về cuối phiên, mặc dù mức tăng hẹp hơn những vẫn đạt mức “khủng” so với chuỗi giằng co quanh mốc tham chiếu suốt thời gian dài vừa qua.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


Tổng kết phiên, VN-Index tăng 10,47 điểm tương ứng 1,75% lên 609,27 điểm với 188 mã tăng giá so với 42 mã giảm giá. HNX-Index cũng không “kém cạnh” khi đạt mức tăng 1,11 điểm, biên độ tăng 1,25% lên 89,73 điểm. Có 156 mã tăng giá và 70 mã giảm giá trên HNX.

Thanh khoản thị trường trong trạng thái “bùng nổ” vào phiên chiều, đặc biệt là 15 phút phiên ATC. Tiền liên tục đổ vào thị trường. Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 183 triệu cổ phiếu, thu hút về 3.092,5 tỷ đồng. HNX có 83,1 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch đạt 1.105,8 tỷ đồng. Tổng cộng, hơn 4.100 tỷ đồng rót vào chứng khoán trong phiên.

Đến thời điểm chốt phiên, GAS vẫn duy trì được mức tăng 3.000 đồng (tăng 2,8%), đạt thị giá 109.000 đồng/cp. Như vậy, doanh nghiệp này vẫn đang là giữ vị trí vốn hóa thị trường “khủng” nhất với 200.870 tỷ đồng, tiếp tục sẽ là nhân tố gây tác động lớn lên xu hướng tăng – giảm của VN-Index thời gian tới.

Các cổ phiếu rổ VN30 tăng tốc phiên chiều, đưa chỉ số rổ này tăng 10,81 điểm tương ứng 1,68% với 25 mã tăng và 5 mã đứng giá. 

Trong đó, PVD đã nới biên độ tăng lên 4.000 đồng, VNM tăng 2.000 đồng, VIC và FPT cùng tăng 1.500 đồng, HAG tăng 1.100 đồng, MSN tăng 1.000 đồng. Ngoài ra, REE, GMD, QCG, HPG, BVH đều xanh điểm.

Thanh khoản tăng vọt. Khớp lệnh toàn phiên của FLC được đẩy lên xấp xỉ 18 triệu cổ phiếu, trong khi đó, ITA khớp 13,6 triệu cổ phiếu, HAG khớp gần 12 triệu cổ phiếu và KBC khớp 10,7 triệu cổ phiếu. Các mã này đều tăng giá, trong đó, đáng chú ý KBC tăng trần.

Cuối phiên, KBC vẫn còn dư mua trần hơn 460 nghìn cổ phiếu, không hề có dư bán. Khối ngoại mua vào tới 11,3 triệu đơn vị. Bên cạnh được khớp lệnh mạnh thì ở phương thức thỏa thuận, KBC cũng được giao dịch rất mạnh, khối lượng lên tới 11 triệu cổ phiếu (158 tỷ đồng).

Trên HNX, cổ phiếu CEO bền bỉ tăng trần, cuối phiên không hề có dư bán, trong khi còn dư mua trần gần 470 nghìn đơn vị và 185 nghìn cổ phiếu giá ATC.

Một số mã khác cũng tăng trần trong phiên bao gồm TVC, TAG, SDG, DAE, TJC…

Khối ngoại trở lại ngoạn mục với khối lượng mua ròng trên HoSE lên tới hơn 10 triệu đơn vị, xấp xỉ 100 tỷ đồng. 

Khối ngoại mua ròng hơn 10 triệu cổ phiếu trên HoSE (đồ thị: Stockbiz)
Khối ngoại mua ròng hơn 10 triệu cổ phiếu trên HoSE (đồ thị: Stockbiz)

KBC vẫn là mã được mua ròng nhiều nhất, khối lượng ròng lên tới 11,16 triệu đơn vị (160,5 tỷ đồng). Bên cạnh đó còn có MCG, NCG, TDH, STB, HT1… Chiều bán ròng bao gồm VCB, SSI, VIC, GAS, HPG, DPM, đây đều là các mã bluechips và bất chấp bị khối ngoại bán ròng vẫn tăng điểm nhờ lực cầu nội mạnh.

Trên HNX, mức độ mua ròng của khối ngoại rất khiêm tốn, chưa đầy 230 nghìn cổ phiếu. Về giá trị, khối ngoại lại bán ròng 2,4 tỷ đồng. SHB gần như là cổ phiếu duy nhất được mua ròng đáng kể, trong khi phía bán ròng, “nạn nhân” lại PVS. PVS tuy bị khối ngoại bán ròng song vẫn tăng giá mạnh 1.300 đồng tương ứng 3,23%.

Mai Chi
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”