1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cổ phiếu các “ông lớn” hàng không chật vật vì Covid-19

(Dân trí) - Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã đánh mất 21,24% giá trị so với đầu năm, trong khi đó, VJC của hãng bay Vietjet Air cũng sụt giảm hơn 11%.

Những thông tin không mấy khả quan về diễn biến dịch cúm do chủng mới của virus corona (Covid-19), đặc biệt là sau khi Hàn Quốc liên tục công bố số người nhiễm gia tăng mạnh, điều này tiếp tục tạo ra tâm lý không mấy tích cực với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu các “ông lớn” hàng không chật vật vì Covid-19 - 1

Cổ phiếu ngành hàng không chịu thiệt hại do những lo ngại về dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona gây ra

Cổ phiếu ngành hàng không tiếp tục gây chú ý vì đây là ngành sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách phòng chống Covid-19. Song nhìn chung, cho đến thời điểm trưa nay, sự thận trọng vẫn đang kìm giữ các chỉ số khiến thị trường vẫn ở trong trạng thái giằng co.

Cổ phiếu HVN của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines giảm 0,74% còn 26.800 đồng trong khi cổ phiếu VJC của Vietjet Air gián đoạn nhịp tăng, lùi về ngưỡng tham chiếu 128.500 đồng. Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng đánh mất 0,83% còn 59.600 đồng.

Tính từ đầu năm đến nay, trong chưa đầy 3 tháng, cổ phiếu HVN đánh mất 21,24% giá trị, trong khi đó, VJC cũng sụt giảm hơn 11%.

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Á, trên một số trang mạng lan truyền thông tin Cục Hàng không ra quyết định cấm vô thời hạn các chuyến bay giữa Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - Nhật Bản.

Thông tin này gây hoang mang cho nhiều hành khách có lịch trình đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác hàng không chung.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã bác bỏ và cho biết, đó là thông tin hoàn toàn bịa đặt. Cục Hàng không đã đề nghị cơ quan công an điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những đối tượng tung tin giả này.

Thị trường tiếp tục giằng co trong phiên giao dịch sáng nay (21/2). Chỉ số chính VN-Index hiện tạm khép cửa với mức giảm 1,08 điểm tương ứng 0,12% còn 937,05 điểm. Trong khi đó, HNX-Index xảy ra rung lắc mạnh và cũng đang sụt giảm 0,19 điểm tương ứng 0,17% còn 109,38 điểm.

Chỉ số UPCoM-Index có phần thuận lợi hơn khi đạt trạng thái tăng 0,21 điểm tương ứng 0,27% lên 56,55 điểm.

Thanh khoản thị trường sụt giảm đáng kể so với các phiên giao dịch trước. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX trong sáng nay đạt 95,33 triệu cổ phiếu tương ứng 1.783,35 tỷ đồng và trên HNX là 16,3 triệu cổ phiếu tương ứng 177,06 tỷ đồng. Thị trường UPCoM ghi nhận 7,97 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 104,99 tỷ đồng.

Không có chênh lệch nào đáng kể giữa số lượng mã giảm và số lượng mã tăng trên quy mô toàn thị trường. Tổng số lượng mã giảm trên các sàn giao dịch hiện là 303 mã và có 36 mã giảm sàn trong khi bên tăng là 257 mã, có 40 mã tăng trần.

Cổ phiếu vốn hoá lớn tiếp tục phân hoá. Nếu VNM là mã có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index, đóng góp 1,21 điểm cho chỉ số chính thì ngược lại, BID lại gây thiệt hại lớn nhất với mức độ ảnh hưởng là 1,69 điểm.

Nhóm tăng điểm còn có sự góp mặt của MSN, VPB, GAS, BVH, SAB và ở chiều ngược lại, phía giảm có VHM, VIC, VCB, CTG, HPG.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SHS, thị trường đã hồi phục khá mạnh trong phiên đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2020 với thanh khoản được cải thiện và cao hơn mức trung bình 20 phiên; tuy nhiên VN-Index vẫn chỉ nằm trong vùng tích lũy trước đó trong khoảng 920-940 điểm, cho nên sẽ cần quan sát thêm.

SHS nhận định trạng thái thị trường vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể và cần theo dõi các tín hiệu giao dịch tiếp theo.

Các chuyên gia phân tích từ công ty này đưa ra dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 21/2, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 920-940 điểm.

Theo đó, những nhà đầu tư đã giao dịch thành công vòng trước đó (mua vào trong phiên 3/2 và 4/2 khi thị trường kiểm định vùng hỗ trợ 900- 920 điểm và chốt lời khi thị trường kiểm định vùng kháng cự 940-950 điểm trong phiên 7/2 và phiên 12/2) có thể tiếp tục áp dụng chiến lược mua thấp, bán cao với vùng hỗ trợ và kháng cự nêu trên trong giai đoạn hiện tại.

Mai Chi