Cổ phần hoá hãng phim: Tình thế "ván đã đóng thuyền”

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong việc cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam, người lao động cũng chưa mặn mà làm tròn trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước chưa hiểu tâm tư anh em, nóng vội triển khai hoặc thiếu sót. Đến khi ván đã đóng thuyền các nghệ sĩ mới nêu lên thì khó cho cơ quan Nhà nước và cả nhà đầu tư.

Việc cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.
Việc cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.

Như Dân trí đã đưa tin, mới đây, các nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) đã có đơn kêu cứu sau gần ba tháng hãng được Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) mua lại.

Sau khi cổ phần hoá, Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) là đơn vị nắm giữ 65% cổ phần chưa từng có kinh nghiệm về làm phim. Việc Hãng phim truyện Việt Nam nắm quyền quản lý 4 lô đất vàng được cho là lý do chính thu hút nhà đầu tư tham gia cổ phần hóa.

Trước hàng loạt sự kiện xoay quanh vụ việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam, chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.

Liên quan tới việc này, phát biểu tại buổi họp báo chuyên đề diễn ra vào sáng nay (27/9), ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: "Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao thanh, việc đúng hay sai sẽ có kết luận sau. Còn Bộ Tài chính chỉ ban hành cơ chế chính sách".

Đang đợi kết quả thanh tra

Theo ông Tiến, không có chuyện thực hiện đúng quy định pháp luật mà lại sai. Quy trình đúng là phải có phương án sử dụng đất, phải công khai minh bạch. Ví dụ với hãng phim thì phải làm rõ với thành phố là khu vực đó làm gì, mảnh đất tại hãng phim có làm cao ốc hay không. Không thể đổ lỗi nếu bản cáo bạch mảnh đất này thành phố chưa quy hoạch thì ban cổ phần hoá làm việc của thành phố, không thể chưa rõ ràng mà bán được.

"Tư vấn không thẩm định được, mà nếu tư vấn trả lời được thì đã không có khiếu kiện. Thường tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp bỏ qua hồ sơ đất đai và toàn là khoán trắng cho doanh nghiệp làm”, đại diện Bộ Tài chính bình luận.

Ông Tiến cũng nêu trường hợp có doanh nghiệp trong đất quy hoạch nhưng chưa làm dự án nên thuê và trả tiền hàng năm. “Quan trọng tư vấn phải làm rõ cho doanh nghiệp rằng đất của doanh nghiệp nằm trong quy hoạch chưa, quy hoạch là gì, đất này sẽ được quy hoạch làm đô thị hay làm công viên cây xanh thì nó đã khác rồi”.

“Đất đai của Hãng phim truyện được quy hoạch như nào thì sử dụng như vậy, nếu muốn chuyển đổi mục đích thì thành phố Hà Nội cho phép mới được, hiện đang thanh tra nên phải đợi thanh tra làm xong chủ đầu tư mới có đề xuất sử dụng như thế nào”, ông Quyết cho biết thêm.

"Ván đã đóng thuyền"

Về câu chuyện hãng phim truyện Việt Nam, theo ông Quyết, "Phải nói trách người trách ta, là người lao động, doanh nghiệp phải hiểu ông chủ dùng mình ra sao. Chọn ông không đúng phải có ý kiến báo cáo lãnh đạo cấp trên, báo cáo rồi vẫn làm thì sai. Ngành nghề văn hóa cũng thế, tài sản là con người chứ có phải nhà cửa đâu, con người là tài sản, người biết sử dụng chọn ông không biết sử dụng ngồi đánh đố nhau thì không đúng".

"Cổ phần hoá có buổi phổ biến phương án cổ phần hoá, phương án nói rõ cổ đông chúng ta là ai, thế mạnh gì để người lao động có ý kiến, nếu không đồng thuận phải dừng lại. Người lao động cũng chưa mặn mà làm tròn trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước là ban chỉ đạo cổ phần hoá chưa hiểu tâm tư anh em, nóng vội triển khai hoặc thiếu sót. Đến khi ván đã đóng thuyền các nghệ sĩ mới nêu lên thì khó cho cơ quan nhà nước và cả nhà đầu tư. Lúc có quyền tại sao chúng ta không nói. Vai trò của công đoàn, của người lao động trong cổ phần hoá có thời gian dài chúng ta quên mất”, ông Quyết nêu vấn đề.

Mở rộng ra, liên quan đến phát sinh, tồn tại vấn đề đất đai sau cổ phần hoá, vị đại diện Bộ Tài chính cho biết, sử dụng đất đai nông nghiệp đã có Nghị định 118 và Quyết định 09 với doanh nghiệp có đất ở đô thị lớn hoặc đất đai sản xuất kinh doanh đã được sắp xếp trong nhiều năm qua nên doanh nghiệp muốn làm nhanh phải chủ động từ giai đoạn trước và thường doanh nghiệp không làm nên mới chậm.

Trong cổ phần hoá tiến hành làm song song, 8-9 tháng xác định giá trị doanh nghiệp từ lúc có chủ trương cổ phần hoá phải sắp xếp đất đai luôn.

Phương Dung