“Cổ phần hoá, một bộ phận quản lí giàu lên”

(Dân trí) - Đó là ý kiến của đại biểu Đặng Duy Lợi tại buổi thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội về tình hình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Rất nhiều vấn đề “nóng” từ thực tiễn cổ phần hoá cũng đã được phân tích, mổ xẻ trong buổi thảo luận.

Không “mặn mà” với cổ phiếu

Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đánh giá, CPH là một làn gió mới giúp đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, nâng cao đời sống của người lao động. 500 DN sau khi cổ phần hoá trên một năm, doanh thu tăng lên 43%, thu nhập người lao động tăng 54%.

Cũng theo ông Hiển, trong số 300.000 người lao động được mua cổ phiếu ưu đãi có 60.000 người bán cổ phiếu. Từ con số này ông Hiển cho rằng, việc tư nhân hoá không phải là không có nhưng chưa phải nghiêm trọng.

Về tác động của việc bán “lúa non” đối với đời sống người lao động được Hiển phân tích là không đáng kể. Cụ thể, với mỗi năm thâm niên công tác, người lao động chỉ được mua 100 cổ phiếu (mỗi cổ phiếu 10.000 đồng) và nếu một một người có 20 năm công tác thì cũng chỉ có 20 triệu đồng tiền cổ phiếu.

Lợi tức cổ phiếu mỗi năm chỉ khoảng 2,5 - 2,6 triệu nên không ảnh hưởng lớn lắm tới đời sống của họ. “Thực tế người lao động không mặn mà với cổ phiếu họ sở hữu vì cổ tức thu được không đáng bao nhiêu và nguồn trông chờ chính của họ vẫn là từ lương”, ông Hiển nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phân trần, chúng ta mong muốn bán cổ phiếu cho người lao động để họ giữ lại nhưng khi thị trường chứng khoán lên giá, người lao động thấy có lời nên đã bán.

Ông Hà đề xuất, cần có sự điều chỉnh cơ chế để người lao động giữ lại cổ phiếu. Cũng theo ông Hà, hiện đã có qui định để người lao động tiếp tục được mua cổ phiếu ở những lần phát hành tiếp theo.

Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, phải có cơ chế bán cổ phiếu cho người lao động theo mệnh giá để người lao động có quyền biểu quyết và tham gia bàn bạc các vấn đề của doanh nghiệp. Người lao động không được bán cổ phiếu, trừ trường hợp đã về hưu hoặc chuyển sang làm việc tại một nơi khác.

Tuy nhiên, ông Đặng Duy Lợi, Ủy viên UB Kinh tế lại không đồng tình với quan điểm trên. Ông Lợi dẫn các qui định trong phần 2 của Bộ Luật dân sự, cho phép người lao động được phép định đoạt, quyết định tài sản thuộc về họ. Chỉ có sửa Bộ luật Dân sự mới thực hiện được như các đề xuất ở trên, nhưng theo ông Lợi đó là điều không nên làm.

Không lo ngại về tư nhân hoá

Ông Đặng Như Lợi nhìn nhận, chúng ta không đánh giá và quản lí được doanh nghiệp nhà nước trước khi vào CPH. Điều này dẫn đến những chệch choạc và chúng ta đã phải trả giá.

Mục tiêu CPH là đổi mới phương thức quản trị, nhưng thực tiễn phương thức quản lí vẫn “bảo lưu” như cũ. Trong khi đó, một bộ phận đội ngũ quản lí lại giàu lên sau cổ phần hoá.

Với vấn đề tư nhân hoá trong quá trình CPH, ông Lợi cũng đưa ra những phân tích của mình. Theo đó, gần 3.800 doanh nghiệp đã cổ phần hoá đều là doanh nghiệp nhỏ, làm ăn bấp bênh.

Tỉ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã CPH mới đạt 16% vốn nhà nước tại các tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty nhà nước. 84% số vốn còn lại nằm trong các tập đoàn, Tổng Công ty... và các đơn vị này vẫn đang đóng góp rất lớn cho GDP.

Cổ phần hoá mới đạt 16% vốn và trong các doanh nghiệp đó nhà nước vẫn giữ 50% vốn nên nếu có là tư nhân hoá cũng không đáng kể. Chưa hết về đất đai, đều chỉ là cho doanh nghiệp thuê 5 - 10 năm cũng gia tăng thêm yếu tố không lo ngại.

Trong khi đó, vấn đề “pha loãng” vốn nhà nước “gây thiệt hại” được nêu lên trong báo cáo cũng được ông Đào Trọng Thi cho rằng phải phân tích kĩ hơn. Bởi lẽ, mục tiêu CPH là để huy động vốn của xã hội chứ không phải là bảo tồn phần vốn của nhà nước.

Ông Thi cho rằng, cần phải có sự phân tách hai trường hợp: Có những doanh nghiệp, nhà nước giữ tỉ lệ chi phối để thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; Với những doanh nghiệp nhà nước không cần giữ tỉ lệ nhất định và việc giảm tỉ lệ vốn nhà nước là tích cực.

Với việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được giao đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại trên 800 DN, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, rất khó cho Tổng Công ty này thể hiện được quyền chủ sở hữu. Ông đề xuất, chỉ nên để SCIC giữ lại khoảng 100 DN loại A, B, còn lại sẽ thực hiện bán phần vốn nhà nước.

Cấn Cường