Có “nhóm cổ đông” muốn gây rối trước đại hội …?

(Dân trí) - Cổ đông bầu ra hội đồng quản trị để thay mình điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều khi có vài cổ đông “chướng” khiến hội đồng quản trị cũng “choáng”.

Vấn đề nhân sự của các ngân hàng trong thời gian gần đây luôn luôn “nóng” và tranh cãi “nảy lửa” trong các kỳ đại hội cổ đông (ĐHCĐ). Đây cũng là chuyện bình thường ở tất cả các doanh nghiệp trên thế giới nhằm hướng đến sự lành mạnh và vì lợi ích chung của doanh nghiệp đó.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, gần đây Eximbank buộc phải chính thức thông báo hoãn tổ chức ĐHCĐ thường niên năm vào 29/4/ 2016. Lý do hoãn là vì không đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự khi chỉ có 50,19%, trong khi quy định của pháp luật là 65% cho lần đầu tổ chức ĐHCĐ thường niên. Mặc dù, trước đó, có hai “nhóm” cổ đông lớn đã gửi thư yêu cầu cơ cấu lại số lượng thành viên HĐQT.

Thế nhưng, khi ĐHCĐ diễn ra để thông qua 12 dự thảo tờ trình, trong đó có 3 tờ trình liên quan đến số lượng thành viên HĐQT thì 2 “nhóm” cổ đông lớn do bà Nguyễn Thị Xuân Loan, làm đại diện có đến tham dự đại hội của Eximbank vào 29/4/2016, nhưng đã quyết định không đăng ký tư cách cổ đông dẫn đến việc tổ chức bất thành và phải dời lại vào ngày 24/5/2016 sắp tới. Đây là câu hỏi rất lớn về “động cơ” đằng sau của “nhóm” cổ đông này? Không biết sắp tới đây “việc” này có được tái lập?


Giao dịch tại Eximbank (ảnh minh hoạ).

Giao dịch tại Eximbank (ảnh minh hoạ).

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho rằng, việc cổ đông lớn không tới tham dự ĐHCĐ sẽ tạo ra thông điệp không tốt cho thị trường, trong chừng mực nào đó tạo ra thông điệp không tốt về hình ảnh của ngân hàng và tạo điều kiện cho những “đồn thổi” của dư luận gần đây.

Cụ thể là việc thêu dệt đấu tranh quyền lực, hoặc ngăn cản của HĐQT không cho nhóm cổ đông này nhóm kia vào HĐQT là ví dụ gần đây trên báo chí. Khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, điều đó cũng chính là ảnh hưởng quyền lợi của tất cả các cổ đông. Hoạt động ngân hàng chỉ ổn định khi cổ đông lớn và cổ đông nhỏ cùng đồng lòng cho việc xây dựng, phát triển.”

Ông Quốc cũng cho rằng, sự khác biệt quan điểm giữa các nhóm cổ đông là vấn đề tự nhiên. “Chúng tôi đang nỗ lực đi tìm những người có tâm cùng đóng góp cho sự phát triển của ngân hàng, có tài và sẽ tạo điều kiện để họ đóng góp đúng sở trường, đồng thời tiến hành sàng lọc, chọn lựa và quan trọng nhất là phải đồng lòng xây dựng ngân hàng theo hướng minh bạch, đúng pháp luật”, ông Quốc nói.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, những cổ đông nhỏ lẻ không tác động nhiều tới số phiếu đại diện. Việc gây khó khăn cho ĐHCĐ chỉ có thể là những “ông lớn”. "Cổ đông cũng nên cảm thông cho HĐQT về việc chia cổ tức trong bối cảnh hoạt động của ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng từ trước để lại, bên cạnh đó phải tăng vốn điều lệ và trích lập quỹ dự phòng nợ xấu, đây là các hoạt động giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro”, TS Tín nói.

Theo TS. Bùi Quang Tín, muốn ĐHCĐ thành công thì trước khi đại hội diễn ra, các cổ đông nên ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung. Những vấn đề trước đại hội không đàm phán xong thì vào đại hội cũng khó giải quyết được và đặc biệt sau đại hội càng khó khăn hơn.

“Có 2 việc cần làm để một ĐHCĐ thành công là ở góc độ nội bộ, cổ đông lớn nên họp bàn đưa ra lợi ích chắc chắn của ông lớn nhưng hài hòa với lợi ích cổ đông nhỏ. Tất cả phải minh bạch. Đồng thời, nếu đủ tỷ lệ cổ đông để tiến hành đại hội thì phía cơ quan nhà nước cũng cần tăng cường lực lượng để bảo vệ đại hội thành công”, TS. Tín nói.

Theo quy định của pháp luật, đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty đại chúng chỉ hợp lệ nếu cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết cho lần đầu. Còn tổ chức lần thứ 2 sau 30 ngày kể từ ngày hoãn đại hội cổ đông lần 1. Khi đó, số cổ đông tham dự chỉ cần đạt 51% số cổ phần biểu quyết là đủ điều kiện tiến hành đại hội.

Hiền Minh

Có “nhóm cổ đông” muốn gây rối trước đại hội …? - 2