1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Sắp tiếp nhận lao động Việt sang Hàn Quốc:

“Cò mồi” tung các “chiêu” lừa đảo

Trước thông tin Hàn Quốc sắp tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam, tại nhiều địa phương, “cò mồi” xuất hiện tung “chiêu” lừa đảo người lao động (NLĐ).

Lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) khuyến cáo: “Chìa khóa” khai thông thị trường Hàn Quốc chưa có, nên NLĐ cảnh giác, tránh mất tiền oan.

 

Hàng ngàn lao động đang đỏ mắt chờ ngày được xuất cảnh sang Hàn Quốc. Ảnh: Phong Cầm.
Hàng ngàn lao động đang đỏ mắt chờ ngày được xuất cảnh sang Hàn Quốc. Ảnh: Phong Cầm.

 

Mập mờ chỉ béo “cò”

 

Ngày 9/10, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước và Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) họp cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã đưa được 62.616 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (mục tiêu đề ra là 80.000 lao động). Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm tỷ lệ rất ít với 439 lao động xuất cảnh, chủ yếu lao động về nước đúng hạn.

“Trước đây, Hàn Quốc thường lựa chọn lao động Việt Nam với tỷ lệ tới 80%, nhưng sau một thời gian đóng cửa, hình ảnh NLĐ đã khác trong mắt chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Do đó tỷ lệ lao động được lựa chọn tới đây có thể sẽ thấp hơn”. Ông Phan Văn Minh 

 

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước cho biết, tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm nay không vui vì thị trường Hàn Quốc đóng băng. “Dự kiến, trong tháng 10 này, hai bên sẽ ký tiếp bản thỏa thuận đặc biệt đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình cấp phép mới (EPS). Tuy nhiên, việc có ký kết được trong tháng 10 này hay không, sẽ phải chờ”, ông Hải nói.

 

Điều khiến ông Hải lo lắng là hiện nay, dù “chìa khóa” (ký kết lại bản thỏa thuận EPS) để khai thông thị trường Hàn Quốc chưa có, nhưng tại nhiều địa phương, đã bắt đầu xuất hiện các loại “cò mồi” lừa đảo tiền NLĐ. “Hiện, chúng tôi nhận được thông tin là có nhiều đối tượng đang moi tiền lao động. Đặc biệt những lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn sắp hết hạn vào tháng 12 tới. Cò mồi đang tung chiêu như việc gia hạn chứng chỉ để lừa tiền NLĐ”, ông Hải nói.

 

Ông Hải cho biết, sau khi phân loại, hiện còn 11.096 hồ sơ của lao động (tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn tháng 12/2011) đang “đóng băng” trên bàn của cơ quan chức năng Hàn Quốc, chưa được giới thiệu cho chủ sử dụng lựa chọn. Theo quy định, đến tháng 12 tới, số lao động này sẽ hết hạn chứng chỉ tiếng Hàn. “Tuy nhiên, Hàn Quốc đồng ý sẽ gia hạn chứng chỉ cho những lao động này. Thời gian gia hạn ít nhất 14 tháng và có thể dài hơn”, ông Hải cho biết.

 

Lao động huyện nghèo được ưu tiên

 

Về kế hoạch đưa lao động sang Hàn Quốc sắp tới, ông Phan Văn Minh- GĐ Trung tâm Lao động Ngoài nước cho biết, trong trường hợp tháng 10 tới, EPS được khai thông, sẽ ưu tiên 4 nhóm đối tượng được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Theo đó, lao động đăng ký làm nông nghiệp thuộc huyện nghèo của 20 tỉnh (gồm 2.650 người đăng ký và 755 người đã được kiểm tra tiếng Hàn) sẽ được ưu tiên kiểm tra tiếng Hàn và xuất cảnh sớm.

 

Đối tượng thứ hai, lao động đăng ký đi làm việc Hàn Quốc ngành ngư nghiệp (300 người đã thi đỗ tiếng Hàn) sẽ được gia hạn chứng chỉ và ưu tiên xuất cảnh. Đối tượng thứ ba, lao động về nước đúng hạn (1.963 người đã hoàn thiện hồ sơ chờ chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn). “Với đối tượng lao động này, nếu sau 25 ngày hồ sơ gửi lên mạng mà chủ sử dụng cũ không lựa chọn sẽ chuyển (hồ sơ) sang cùng với lao động mới để chủ sử dụng lao động mới lựa chọn”, ông Minh nói.

 

Đối tượng ưu tiên tiếp theo là 11.096 người đã đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn tháng 12/2011. Những người này sẽ được ưu tiên bổ túc lại tiếng Hàn trước khi xuất cảnh. “Trung tâm Lao động Ngoài nước sẽ bố trí thời gian để các lao động được bổ túc tiếng Hàn với thời gian, chi phí hợp lý. Đồng thời, ai tự học tiếng Hàn, trung tâm khuyến khích”, ông Minh nói.

 

Theo ông Minh, hiện, số lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đã giảm từ trên 50% xuống còn 48%. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay, nhiều lao động sắp hết hạn hợp đồng không muốn về nước. “Tới đây, chúng tôi sẽ bàn với Hàn Quốc để đối tượng này được tiếp nhận với tỷ lệ cao hơn”, ông Minh nói.

 

Để hạn chế lao động bỏ trốn, ông Đào Công Hải cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Theo đó, NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng nếu: Cư trú trái phép; bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng ký kết; bỏ trốn tại sân bay khi nhập cảnh Hàn Quốc; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt những NLĐ Việt Nam khác ở lại cư trú bất hợp pháp.

 

Về khoản tiền ký quỹ 100 triệu đồng, theo ông Phan Văn Minh, cơ bản lao động các địa phương đều ủng hộ. Ngoài đối tượng chính sách được vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội (lãi suất ưu đãi bằng lãi suất tiền gửi), các đối tượng còn lại vẫn quyết tâm tham gia XKLĐ sang Hàn Quốc. “Lao động về nước đúng hạn sẽ được trả gốc và lãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hiện, Thông tư hướng dẫn đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến Bộ Tài chính để hoàn tất và ban hành ngay trong tháng 10”, ông Minh cho biết.

 

Theo Phong Cầm

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm