Giá xăng dầu lại đồng loạt tăng mạnh chiều nay
(Dân trí) - Kể từ 15h chiều nay (11/2), giá xăng RON 95 tăng 960 đồng đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 980 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng hơn 600 đồng đến gần 1.000 đồng.
Xăng, dầu đồng loạt tăng giá
Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa tăng giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh hôm nay (11/2). Bắt đầu từ 15h, các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh tăng, dao động từ 660 đến 980 đồng mỗi lít/kg.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 980 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 960 đồng/lít. Giá dầu diesel, dầu hỏa cũng được điều chỉnh tăng 960 đồng/lít; còn dầu mazut tăng 660 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 24.570 đồng/lít; RON 95 là 25.320 đồng/lít; dầu diesel 19.860 đồng/lít, dầu hỏa 18.750 đồng/lít; dầu mazut 17.650 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, ở kỳ điều hành lần này, trước diễn biến tăng giá liên tục của các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, liên Bộ Công Thương, Tài chính quyết định thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu một cách hợp lý. Theo đó, giảm mức trích lập đối với mặt hàng xăng RON 95 và duy trì mức chi Quỹ đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, dầu diesel và dầu hỏa từ 100 đồng đến 400 đồng/lít.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất hôm 21/1, các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh tăng dao động từ 440 đến 670 đồng mỗi lít. Xăng E5 RON 92 tăng 440 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 490 đồng/lít. Trong khi đó dầu diesel tăng 670 đồng/lít; dầu hỏa 660 đồng/lít; dầu mazut 630 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng dầu tăng 4 phiên liên tiếp, đưa mặt hàng này lên mức giá rất cao. Trong khi đó quỹ bình ổn đang trong tình trạng cạn kiệt, một số đơn vị âm lớn.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng liên tục trong thời gian vừa qua và đạt mức cao nhất 8 năm trở lại đây.
Nguyên nhân chính là nhu cầu xăng dầu tăng mạnh, tồn kho giảm mạnh trong khi việc gia tăng sản lượng của OPEC+ gặp khó khăn do việc thiếu đầu tư và một số trục trặc về khai thác. Ngoài ra theo ông Đông, căng thẳng giữa Nga - Ukraine làm tăng mạnh giá khí đốt và ảnh hưởng gián tiếp đến giá dầu. Căng thẳng địa chính trị tại các nước sản xuất dầu lớn như Kazakhstan, Libya, Saudi Arabia và Iran ảnh hưởng đến nguồn cung, đẩy giá tăng.
Căn thẳng trước điều chỉnh
Việc giá xăng dầu thế giới tăng cao trong khi kỳ điều chỉnh hôm 1/2, trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tạo áp lực rất lớn trong việc kinh doanh mặt hàng này.
Ngay trước kỳ điều hành hôm nay (11/2), thị trường xăng dầu được Bộ trưởng Công Thương nhận định là "căng thẳng" khi xuất hiện tình trạng thiếu cung cục bộ. Bộ trưởng cho biết, ngoài tác động tình hình thế giới, nguồn cung xăng dầu Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng đứt gãy nguồn cung do Nhà máy Nghi Sơn đang trong tình trạng khó khăn về tài chính.
Bên cạnh đó Bộ trưởng cho rằng có hiện tượng lợi dụng tình hình trên nên găm hàng, chờ nâng giá, trục lợi, gây khủng hoảng. "Những ngày qua, trên phạm vi cả nước đều đã xuất hiện những hiện tượng khá giống nhau, đóng cửa hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Do vậy ngay tại cuộc họp về cung ứng xăng dầu ngày 9/2, đoàn thanh tra cơ động được yêu cầu thành lập, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.
Tối cùng ngày, Bộ trưởng Công Thương đã ký quyết định số 150 thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành của định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp. Ngay sau khi có quyết định, Đoàn kiểm tra do Chánh thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long làm trưởng đoàn đã lên đường vào phía Nam - địa bàn vừa qua có nhiều phản ánh về hiện tượng xuất hiện các biển treo "hết xăng".
Ghi nhận ban đầu của đoàn cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, một số đơn vị đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm đã "treo biển hết xăng". Đồng thời đoàn kiểm tra cũng phát hiện tình trạng còn xăng nhưng vẫn treo biển không bán.