Cô gái Quảng Nam bỏ thành phố về quê khởi nghiệp với mo cau

Công Bính

(Dân trí) - Mo cau tưởng như là thứ bỏ đi nhưng cô gái quê Quảng Nam đã biến chúng thành những mặt hàng "xịn xò", cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch ở các thành phố lớn.

Tốt nghiệp ngành kinh tế, Trường Đại học Hùng Vương, TP.HCM vào năm 2008, chị Phan Vũ Hoài Vui (32 tuổi, quê xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) ở lại lập nghiệp nơi phồn hoa đô hội.

Cô gái Quảng Nam bỏ thành phố về quê khởi nghiệp với mo cau - 1

Mo cau trước đây là trò tiêu khiển của trẻ nhỏ ở vùng quê, nay được tận dụng để sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hoài Vui ở lại TP.HCM làm việc trong 12 năm. Trong thời gian này, dù công việc ổn định, vừa làm kế toán, vừa mở trung tâm Anh ngữ, vừa kinh doanh nhưng chị vẫn không nguôi ý định về quê mình làm một sản phẩm gì đó gắn với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và nhất là tạo công ăn việc làm cho bà con ở quê hương.

Đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020, trung tâm ngoại ngữ đóng cửa để phòng ngừa dịch bệnh, Vui về quê Tiên Phước nghỉ ngơi. Trong thời gian rảnh rỗi ở quê, Vui phát hiện ra quê mình nhiều mo cau bỏ không. Lúc này xem trên mạng, Vui thấy sản phẩm từ mo cau của Ấn Độ bắt mắt và bán rất nhiều trên thế giới.

Cô gái Quảng Nam bỏ thành phố về quê khởi nghiệp với mo cau - 2

Những sản phẩm từ mo cau của chị Phan Vũ Hoài Vui được giới thiệu, trưng bày tại hội chợ Techmart Quảng Nam cuối tháng 3/2021.

Sau khi tham khảo nhiều nơi, Vui thấy mo cau có thể làm ra những sản phẩm đựng đồ rất hữu ích mà mo cau quê mình thì bỏ phí, chưa được tận dụng. Sau nhiều tháng tìm hiểu và… suy nghĩ, Vui dồn hết tiền dành dụm, tích cóp lâu nay và vay thêm bên ngoài mua một máy dập mo cau về quê mình. Tháng 9/2020, chiếc máy dập mo cau đã về đến quê, Vui bắt tay vào sản xuất.

"Nói thì ngắn gọn thế chứ công việc cũng "lên bờ xuống ruộng" lắm. Lúc ở TP.HCM, công việc cũng tạm ổn, nhưng đến khi dịch xảy ra thì cơ sở dạy ngoại ngữ đóng cửa, công việc kinh doanh khó khăn, em về quê để nghỉ ngơi và tìm hiểu để làm ra các sản phẩm từ mo cau", Vui chia sẻ.

Vui tâm sự: "Trước nay mình chỉ làm dịch vụ là chủ yếu chứ không sản xuất gì cả nên nghề này là nghề tay ngang và rẽ ngang bất ngờ đối với em. Thật ra đối với em, khi về quê làm nghề này không phải là làm cho em nữa mà công việc hiện là trách nhiệm với gia đình, quê hương, với bà con làng xóm. Em cảm thấy áp lực cũng như trách nhiệm của mình với bà con, với quê hương lớn hơn".

Cô gái Quảng Nam bỏ thành phố về quê khởi nghiệp với mo cau - 3

Chị Phan Vũ Hoài Vui giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của mình đến khách hàng.

Hiện tại, Hợp tác xã Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam do Vui làm chủ có 6 người, chưa kể nhân viên kinh doanh ở các nơi. "Mỗi tháng cơ sở của Vui tiêu thụ từ 30-40 nghìn bẹ mo cau. Giá mỗi bẹ mo cau không đáng là bao nhưng với số lượng thu mua nhiều thì mỗi tháng 1 gia đình cũng kiếm được ít tiền đi chợ", Vui nói.

Bẹ cau ở vùng đất Quảng Nam rụng từ tháng 4-9 hàng năm. Đây cũng là thời điểm người dân thu mua nguyên liệu chở đến cơ sở của Vui để bán lại. Sau khi thu mua xong, công nhân sẽ tiến hành chà rửa thật sạch. Tiếp đến đưa vào máy ép thành từng sản phẩm như chén, đĩa, khay, muỗng và những vật dụng khác. Một công đoạn tiếp theo cũng quan trọng là khử khuẩn, nấm mốc bằng tia Uv, Ozone. Công đoạn cuối sẽ kiểm định lại chất lượng và đóng gói, bán ra thị trường.

Bộ sản phẩm từ mo cau xứ Tiên của Vui gồm 13 sản phẩm như chén, đĩa, khay, muỗng và những vật dụng khác. Thoạt nhìn, các sản phẩm làm từ mo cau tựa như hình các sản phẩm làm từ vật liệu như nhựa, nhôm nhưng bắt mắt và rất dễ nhìn. Ví dụ như một chiếc khay vuông được làm từ mo cau, các đường nét, điểm gấp khúc khá tự nhiên. Sản phẩm khi hoàn thiện rất sạch, thân thiện với môi trường.

Nguyên liệu "bao la", sản phẩm có thể nói là bắt mắt nhưng vấn đề đầu ra có khó khăn? Vui chia sẻ, trước khi bắt tay vào làm cũng đi tìm hiểu thị trường, nhất là ở các thành phố lớn, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang họ thích các sản phẩm làm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường… Hiện sản phẩm từ mo cau của Vui đã có mặt ở các thành phố lớn, nhiều khách sạn như Hà Nội, TP.HCM, Hội An…, doanh thu cũng tăng dần khi nhiều khách hàng biết đến sản phẩm.

Hơn nửa năm đi vào hoạt động, đến nay mỗi ngày hợp tác xã của Vui sản xuất được hơn 1.000 sản phẩm các loại. Mỗi sản phẩm chỉ từ vài nghìn đồng và thân thiện với môi trường nên được nhiều cơ quan, các nhà hàng tìm mua.

Nói về những khó khăn khi khởi nghiệp, Vui chia sẻ: "Có 2 khó khăn lớn nhất khi em rẽ ngang, khởi nghiệp ở quê là vốn và con người. Trong đó, khó khăn về con người làm em đau đầu. Rất khó tìm người quản lý giỏi, như ý mình muốn. Còn vốn thì đối với người khởi nghiệp như em thì rất cần. Đây là khó khăn vô cùng lớn để có thể phát triển cơ sở sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của thị trường".

Đánh giá về sản phẩm làm từ mo cau của chị Phan Vũ Hoài Vui, ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch huyện Tiên Phước - cho biết, sản phẩm làm từ mo cau trước hết thân thiện với môi trường. Đây là sản phẩm mới và tận dụng được nguồn nguyên liệu của địa phương. Tương lai không xa, những sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được bạn bè quốc tế tin cậy.

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN Quảng Nam, Trưởng Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam - cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gần 60 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh được tỉnh công nhận. Các sản phẩm khai thác từ tự nhiên chiếm khoảng 12%. Bởi vì ít có ai nghĩ rằng khởi nghiệp từ những cái mà chúng ta bỏ đi sẽ thành công. Tỉnh Quảng Nam hướng đến xây dựng một nền kinh tế xanh, cho nên tất cả những cơ chế, chính sách, định hướng phát triển sẽ hướng đến kinh tế xanh.