Cổ đông ngân hàng sắp đón cơn mưa cổ tức tiền mặt
(Dân trí) - Tính đến đầu tháng 4, ít nhất 7 ngân hàng có kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt trong năm nay. Ở hướng ngược lại, nhiều đơn vị dự kiến không chia cổ tức dù từng chi trong năm trước.
Câu chuyện chia cổ tức của doanh nghiệp, ngân hàng vẫn luôn là chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm mỗi dịp họp đại hội đồng cổ đông thường niên.
Tính đến ngày 11/4, hầu hết nhà băng đã công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông, trong đó bao gồm kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận...
Năm nay, 7 ngân hàng đã công bố về việc có kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt, trong khi năm 2023 có 5 đơn vị trả cổ tức bằng tiền mặt. Số tiền dự kiến dùng để trả cổ tức tiền mặt trong năm nay là 26.356 tỷ đồng, trong khi vào năm ngoái các ngân hàng chỉ chi ra 19.270 tỷ đồng.
Ngân hàng | Tỷ lệ cổ tức tiền mặt | Tỷ lệ cổ tức cổ phiếu |
Techcombank | 15% | 100% |
VIB | 12,5% | 17% |
ACB | 10% | 15% |
VPBank | 10% | 0% |
HDBank | 10% | 15% |
MB | 5% | 15% |
Eximbank | 3% | 7% |
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) dự kiến trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% (tính theo mệnh giá) và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100%. Trước đó, Techcombank đã từng thực hiện chiến lược không chia cổ tức trong vòng 10 năm để dồn lực phát triển.
Không chỉ Techcombank, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB, mã chứng khoán: VIB) cũng có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 12,5% và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 17%.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5% và 15% bằng cổ phiếu.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) tiếp tục trả cổ tức 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPBank) cũng dự kiến trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%, không chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, mã chứng khoán: HDB) lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% và bằng cổ phiếu 15%.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) dự kiến chia cổ tức tiền mặt 3% và 7% bằng cổ phiếu.
Tại một số ngân hàng khác như MSB, OCB, VietABank, SeABank... tuy không chia bằng tiền mặt nhưng cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 13% đến 30%.
Ở hướng ngược lại, một số nhà băng như LPBank, ABBank, TPBank, SaigonBank... lại không có kế hoạch trả cổ tức trong năm 2024, mặc dù từng chi cổ tức trong năm ngoái. Sacombank và NCB tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2024 do đang trong diện tái cơ cấu.
Vì đâu cổ tức tiền mặt "sôi động" trong 2 năm trở lại đây?
Trước thời gian dịch Covid-19, nhiều ngân hàng thường lên kế hoạch chia cổ tức 2 phần vừa tiền mặt vừa cổ phiếu. Nhưng năm 2020-2022, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giai đoạn ba năm Covid-19 (từ 2019 đến 2021).
Theo đó, các ngân hàng theo chủ trương dành nguồn lực để chống đỡ rủi ro, nên không chia cổ tức tiền mặt.
Đến đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước công bố Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, cơ quan này không còn yêu cầu các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Như vậy, nếu không có sự hạn chế từ cơ quan có thẩm quyền, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.