1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cổ đông chất vấn lãnh đạo Sacombank về khoản cho vay với FLC

Việt Đức

(Dân trí) - Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh đánh giá khoản cho vay của ngân hàng với FLC "rất tốt" nhưng "thu hồi sớm do dư luận và phía khách hàng cũng hợp tác".

Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên của Sacombank ngày 22/4, một trong những vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất chính là dư nợ của ngân hàng với nhóm các công ty liên quan Tập đoàn FLC. 

Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh cho biết dư nợ của riêng Tập đoàn FLC với Sacombank là khoảng 3.200 tỷ đồng. Ông đánh giá đây là khoản tín dụng tốt nhưng do dư luận nên ngân hàng đã thảo luận để thu hồi nợ sớm và phía khách hàng cũng hoàn toàn hợp tác.

Hiện tại, FLC đã trả 2.600 tỷ đồng cho Sacombank và dự kiến một tháng nữa sẽ thanh toán nốt 600 tỷ đồng còn lại. "Khoản cho vay với FLC không có vấn đề gì phức tạp cả", ông Minh chia sẻ với cổ đông.

Cổ đông chất vấn lãnh đạo Sacombank về khoản cho vay với FLC - 1

Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh (Ảnh: STB).

Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm thông tin thêm, tổng dư nợ của Sacombank với FLC và các công ty liên quan như hãng hàng không Bamboo Airways là khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Bà Diễm chia sẻ việc cấp tín dụng với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC diễn ra trong thời điểm chính sách chung của ngành ngân hàng là đồng hành với du lịch, hàng không. "Các khoản vay được đảm bảo bằng nhiều dự án bất động sản, cổ phiếu, tài sản rất tốt. Chúng tôi cho vay rất chuẩn", bà Diễm thông tin.

Về tình hình cho vay với bất động sản nói chung, CEO Sacombank cho biết dư nợ trong lĩnh vực này chiếm khoảng 22% so với tổng mức tín dụng của ngân hàng. Đi vào chi tiết, 60% dư nợ với bất động sản là các khoản cho vay với người dân mua nhà. 

Còn tổng mức cho vay với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khoảng 30.000 tỷ đồng, so với tổng dư nợ khoảng 400.000 tỷ đồng của Sacombank là con số nhỏ. Đồng thời, bà Diễm khẳng định ngân hàng luôn kiểm soát tín dụng với lĩnh vực bất động sản rất tốt. 

Vấn đề còn lại được các cổ đông quan tâm là khi nào ngân hàng có thể chia cổ tức. Cũng như tại các kỳ họp đại hội các năm trước, ông Minh cho biết khi nào Sacombank hoàn thành đề án tái cơ cấu, được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mới có thể chi trả cổ tức cho cổ đông. Hiện tại, phần lợi nhuận tích lũy của Sacombank đã vượt 10.000 tỷ đồng và ngay khi được cơ quan quản lý đồng ý, ngân hàng sẽ dùng nguồn thặng dư này để chia cổ tức.

Ông Minh cũng thông tin một trong những vấn đề quan trọng là xử lý dứt khoát hơn 32% cổ phần Sacombank đang được thế chấp Công ty Quản lý Tài sản VAMC. Ông hy vọng trong năm nay sẽ hoàn thành việc bán số cổ phần này sau khi phương án xử lý được Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ chấp thuận.

Chủ tịch Sacombank cũng kỳ vọng trong năm nay sẽ xử lý được khoản nợ liên quan Khu công nghiệp Phong Phú. Do tài sản này có liên quan đến vốn Nhà nước nên ngân hàng đang làm việc với TPHCM để sớm dứt điểm, thu hồi nợ.

Đại hội đồng cổ đông của Sacombank cũng bầu HĐQT mới với 7 thành viên. Chủ tịch Dương Công Minh, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, ông Phạm Văn Phong cùng ông Nguyễn Xuân Vũ là những thành viên trong HĐQT Sacombank hiện tại tiếp tục tham gia ban lãnh đạo ngân hàng nhiệm kỳ 2022-2026. Ngoài ra, Phó tổng giám đốc Sacombank Phan Đình Tuệ cũng được bổ sung vào HĐQT. Hai gương mặt mới hoàn toàn có trong HĐQT là bà Phạm Thị Thu Hằng và ông Vương Công Đức.

Năm nay, Sacombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 12% lên 435.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng 10% lên 512.700 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 10% lên 573.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến dưới 2%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm