1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cổ đông bất bình vì thu nhập "khủng" của lãnh đạo doanh nghiệp

(Dân trí) - Mặc dù năm 2015 là một năm không mấy ưng ý với nhiều doanh nghiệp, song điều đó cũng không phải là rào cản để các lãnh đạo doanh nghiệp này nhận được mức lương và thù lao "kếch xù", không kém những năm trước.

Kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên 2016 của các doanh nghiệp niêm yết đang bước vào mùa nhộn nhịp cũng là dịp để các công ty công bố cụ thể con số lương, thù lao của lãnh đạo doanh nghiệp trong năm 2015.

Cổ đông bất bình vì thu nhập "khủng" của lãnh đạo doanh nghiệp - 1

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa trải qua một năm đầy "sóng gió" với khoản trích lập dự phòng 310 tỷ đồng vào cổ phiếu Ngân hàng Đông Á khiến lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 giảm 37%, chỉ đạt 160 tỷ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch năm. Tuy nhiên, điều đó cũng không phải là rào cản quá to lớn để bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty nhận mức lương và thù lao "kếch xù" trong năm 2015, không kém những năm trước.

Theo đó, bà Cao Thị Ngọc Dung với vai trò kiêm nhiệm chức danh được chi trả lương, trợ cấp hàng tháng là 130 triệu đồng và thưởng 2,5 tháng lương, mỗi tháng lương 26,6 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng bà Dung lĩnh 196,5 triệu đồng, tương đương một năm gần 2,4 tỷ đồng.

Không chỉ bà Dung, các thành viên HĐQT kiêm nhiệm chức danh khác đều được chi trả mức lương, thù lao khá cao. Ví dụ, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật hưởng lương, trợ cấp hàng tháng gồm 79,8 triệu đồng và thưởng 2,5 tháng lương, mỗi tháng lương 20,6 triệu đồng. Như vậy 1 năm, chức vụ kiêm nhiệm này cũng được lĩnh khoảng 1,6 tỷ đồng.

Ngoài lương, thù lao được chi trả hàng năm, năm 2016, HĐQT còn đưa ra đề nghị thưởng 20%/ phần vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế (LNST) cho HĐQT và Ban điều hành (loại trừ yếu tố bất thường). Đề nghị này cũng được Đại hội cổ đông thông qua mà không có bất kỳ ý kiến thắc mắc nào. Được biết, năm 2016, PNJ lên kế hoạch doanh thu thuần 8.782 tỷ đồng, LNST 361,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 126% so với kết quả thực hiện năm 2015.

"Ông lớn" ngành dầu khí là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cũng vừa trải qua một năm không mấy ưng ý với việc giá dầu giảm sâu, lợi nhuận khiêm tốn xong việc chi trả thù lao vẫn không có thay đổi so với các năm trước.

Năm 2015, PV GAS được cổ đông thông qua tổng tiền lương và thu nhập của HĐQT và BKS là 9 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ chi 7,77 tỷ đồng. Lý do số lượng thành viên HĐQT giảm và không sử dụng khoản dự phòng phí 10% - khoản dự phòng sử dụng trong trường hợp phát sinh chưa được tính đến trong kế hoạch lương, thưởng.

Trong đó, Chủ tịch HĐQT PV GAS được nhận 71,5 triệu đồng/tháng, tương đương 858 triệu đồng/năm; Tổng Giám đốc được nhận 70,75 triệu đồng/tháng, tương đương 849 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, PV GAS vẫn duy trì các khoản tiền thưởng hàng năm gắn với chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban lãnh đạo, cụ thể 30 triệu đồng với Chủ tịch HĐQT và 30 triệu đồng với Tổng Giám đốc.

Bên cạnh đó, PV GAS còn có thưởng chung từ quỹ khen thưởng phúc lợi 25 triệu đồng/người/năm; thưởng từ 2 đến 6 tháng lương thực hưởng tùy theo chức danh đảm nhận (không quá 6 tháng với Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc); thưởng hoàn thành vượt mức kế hoạch tối đa 6 tháng lương/người/năm.

Như vậy, nếu lĩnh trọn vẹn đủ tiền thưởng và thù lao, một năm Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc PV GAS thu nhập khoảng 1,7 - 1,8 tỷ đồng.

Không tính thù lao “trọn gói” như PNJ hay PV GAS, Ban lãnh đạo CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) trả thù lao HĐQT năm 2015 là 1%/tổng lợi nhuận sau thuế, tức khoảng 35 tỷ đồng. Cần nói thêm, Hòa Phát vừa trải qua một năm kinh doanh đầy sáng lạn với doanh thu 1,2 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.500 tỷ đồng, vượt lần lượt 24% và 8% so với kế hoạch năm.

Tại Đại hội, một cổ đông ý kiến con số 1%/ tổng lợi nhuận sau thuế là quá cao, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nói rằng hiếm công ty nào quy mô trên 1 tỷ USD như Hòa Phát lại có mức tăng trưởng đầu tư, vừa chia cổ tức đều đặn 15% bằng tiền mỗi năm. Nhìn vào kết quả kinh doanh của công ty cũng như các yếu tố nội tại, ông Long cho rằng nói thù lao cao cũng đúng mà thấp cũng đúng. "35 tỷ đồng chia đều cho 9 -10 con người thì cũng chỉ đạt 3 tỷ đồng/người", ông Long nói.

Đối với năm 2016, Hòa Phát vẫn duy trì con số thù lao cho HĐQT tối đa 1% lợi nhuận sau thuế. Ngoài ra, Công ty cũng có chế độ khen thưởng tối đa 5% của phần lợi nhuận vượt kế hoạch.

Có thể để tránh các ý kiến trái chiều mang tính chất cảm tính cao - thấp về con số lương thưởng, thù lao, HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) thẳng thắn lên kế hoạch mức thù lao đối với HĐQT, BKS dựa trên LNST cổ đông công ty mẹ. Cụ thể, năm 2015 mức chi trả là 0,5%/ LNST của cổ đông công ty mẹ, tương đương mức ngân sách 3,33 tỷ đồng. Năm 2016, mức thù lao này được tăng lên là 0,75% LNST/ cổ đông công ty mẹ.

Nhưng, không chỉ chi trả thù lao cho ban lãnh đạo mà công ty này còn có chính sách khuyến khích. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, giá trị khuyến khích là 6% tổng LNST thuộc cổ đông công ty mẹ cộng với 20% tính trên giá trị LNST vượt kế hoạch. Điều kiện lợi nhuận năm hiện tại của công ty phải vượt lợi nhuận năm trước.

Như vậy, ví dụ lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Công ty là 800 tỷ đồng, kết quả thực tế là 850 tỷ đồng thì ban điều hành sẽ nhận được số tiền khuyến khích là 61 tỷ đồng. Con số này mới thực sự là "giấc mơ lớn" với ban lãnh đạo công ty, như vậy càng khuyến khích họ tập trung, gia tăng hiệu quả công việc. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng HĐQT đưa ra kế hoạch kinh doanh năm một cách thận trọng để nhận giá trị khuyến khích.

Một số công ty khác như CTCP Cơ Điện lạnh (REE), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) lại chỉ công bố tổng quan con số lương, thù lao chung cho cả HĐQT và Ban kiểm soát chứ không công bố riêng lẻ con số từng thành viên. Năm 2015, PET chi 4,9 tỷ đồng, REE chi 3 tỷ đồng cho những chi phí này.

Anh Thư

Cổ đông bất bình vì thu nhập "khủng" của lãnh đạo doanh nghiệp - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm