1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Có dấu hiệu tội phạm liên kết với ngân hàng”?!

(Dân trí) - Đó là một trong những vấn đề nóng của ngành ngân hàng mà các đại biểu Quốc hội đặt ra và cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình thừa nhận trong phiên chất vấn chiều nay (24/11).

Cùng với các "điểm nóng" giá điện, xăng dầu thì nghị trường Quốc hội chiều 24/11 cũng trở nên sôi nổi với nhiều ý kiến chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Chùm câu hỏi về dấu hiệu tội phạm liên kết với ngân hàng, căn cứ điều hành lãi suất, quản lý thị trường vàng... cũng là những vấn đề mà các cử tri hết sức quan tâm.
 
“Có dấu hiệu tội phạm liên kết với ngân hàng”?! - 1

Ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm và được nhiều người quan tâm (Ảnh minh họa).
 
Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) nhấn mạnh đến vấn đề xuất hiện 1 loại tội phạm mới lợi dụng việc siết chặt tín dụng "quá liều" của ngân hàng để làm khó doanh nghiệp, không cho đảo nợ, thu hồi nợ trước hạn, tín dụng đen… để mua rẻ, chiếm doanh nghiệp, chiếm dự án.

Nằm trong chuỗi câu hỏi dành cho Thống đốc, bà Yến cũng đặt vấn đề từ cuối 2009 đến nay NHNN đã xếp loại việc phát triển hạ tầng và xây dựng nhà xưởng của các khu công nghiệp là phi sản xuất, trong khi các khu công nghiệp năm 2010 đã đóng góp 25 tỷ USD tương đương với 25% sản lượng công nghiệp của cả nước, tạo hàng triệu công ăn việc làm. Vậy Thống đốc NHNN sẽ làm gì để giải tỏa vấn đề bất hợp lí này?

Vấn đề lãi suất được rất nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn. Đại biểu Nguyễn Văn Thuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) tuy rất hoan nghênh Thống đốc Nguyễn Văn Bình thời gian qua đã có những biện pháp kiên quyết xử lý vi phạm trần lãi suất huy động của một số ngân hàng, nhưng mong muốn Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu căn cứ để quy định lãi suất trần và những giải pháp đột phá để đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Tiếp theo vấn đề lãi suất, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh về ý kiến dư luận cho rằng trong điều hành gần 4 tháng qua, nhiều chính sách của Thống đốc có xu hướng tạo thuận lợi cho nhóm có lợi ích lớn.

Thị trường vàng cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Đại Biểu Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) cho rằng Dự thảo Nghị định về quản lý, sản xuất kinh doanh vàng trình Chính phủ, các điều kiện để được xem xét cấp phép sản xuất kinh doanh vàng miếng thì doanh nghiệp phải có ít nhất 25% thị phần cả nước, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, thuế 500 triệu đồng/năm và phải là doanh nghiệp. Tính tới thời điểm hiện nay thì chỉ có Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là đáp ứng được điều kiện được cấp phép, bởi công ty này đang chiếm 90% thị phần. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 12.000 đơn vị ở 64 tỉnh thành đang mua bán vàng miếng trực tiếp với người dân sẽ phải ngừng kinh doanh.

Với tình hình nói trên, đại biểu Đặng Xuân Huy chất vấn liệu Thống đốc Nguyễn Văn Bình có lường trước được sự việc thống lĩnh thị trường, độc quyền về giá, về sản lượng đáp ứng được cho nhu cầu mua bán của người dân không bị đầu cơ, găm hàng và nguy cơ giao dịch ngầm như thị trường ngoại tệ ngầm đang diễn ra.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cũng đề nghị Thống đốc NHNN cho biết việc tham mưu đối với Chính phủ về việc giải bài toán về lãi suất như thế nào, đặt trong mối quan hệ vừa đảm bảo yêu cầu về giảm lạm phát, đồng thời không đình trệ sản xuất? Đại biểu Lai yêu cầu Thống đốc đánh giá như thế nào về tình hình chất lượng tín dụng hiện nay khi dư luận cho rằng đang có vấn đề xấu.

Trả lời về những câu hỏi chất vấn trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định tất cả đều là những vấn đề nóng và đáng quan tâm.

“Việc quy định trần lãi suất % đối với tiền gửi vào cuối năm 2010 là thiết thực. Lúc đó đặt mục tiêu lạm phát là 7% trong khi lãi suất huy động là 14% là quá tích cực, quá có lãi với người gửi tiền. Cái không tích cực ở đây chỉ là để mức trần này duy trì quá lâu làm mất đi tính chất linh hoạt và không phản ánh đúng nhu cầu nên người gửi có chịu thiệt vào giai đoạn đó. Về cho vay từ hơn 20% xuống từ 17-19% đến nay là hợp lý và tích cực” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay.

Cũng theo Thống đốc, lãi suất có thể sẽ được xem xét giảm trần nếu trong tháng 11 này lạm phát giảm xuống 1%. "Trước diễn biến của tình hình kinh tế vĩ mô ổn định dần, lạm phát giảm mạnh, là tiền đề, là dấu hiệu để chúng ta hạ dần lãi suất của NHNN", ông Bình khẳng định.

Riêng ý kiến của đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến về việc xuất hiện nhóm tội phạm có cấu kết với ngân hàng để làm khó doanh nghiệp, không cho đảo nợ thì Thống đốc cho rằng đây là một vấn đề đặc biệt.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận trong tình hình chính sách tiền tệ đang được điều hành một cách rất chặt chẽ nhằm kiềm chế lạm phát theo đúng tinh thần Nghị quyết 11 thì cũng có rất nhiều những hiện tượng tiêu cực xuất hiện, trong đó có loại tội phạm cấu kết với ngân hàng để siết nợ các ngân hàng đang gặp khó khăn, mua tài sản với giá rẻ hoặc sự phát triển của tín dụng đen.

Tuy nhiên, về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, khống chế loại tội phạm này thì Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn chưa trả lời. Nhiều ý kiến của nhiều đại biểu khác cũng chưa được Thống đốc giải đáp vì thời gian của phiên chất vấn đã hết. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Thống đốc Nguyễn Văn Bình chuẩn bị thông tin, tài liệu để tiếp tục trả lời các đại biểu vào sáng mai (25/11).

Quỳnh Anh